Theo icon.evn.com.vn - 13/06/2011
Thủy điện Hủa Na phấn đấu phát điện vào cuối năm 2012

Dự án thủy điện Hủa Na (Quế Phong, Nghệ An) có công suất 180 MW gồm hai tổ máy với sản lượng điện khoảng 718 triệu kW giờ/năm, sau ngày khởi công đang được chủ đầu tư và các nhà thầu tổ chức thi công quyết liệt. Ðến nay, tiến độ thi công các hạng mục đang được thực hiện theo kế hoạch, toàn công trường đang phấn đấu đưa hai tổ máy phát điện hòa lưới điện quốc gia vào cuối năm 2012.

Kiểm soát tiến độ

Dự án Nhà máy thủy điện Hủa Na do Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na (Công ty) làm chủ đầu tư (được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư và thực hiện theo cơ chế 797-400 tại Văn bản số 129/TTg-CN ngày 19-1-2006) nằm trên địa bàn xã Ðồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ðây là huyện miền núi biên giới đặc biệt khó khăn, thuộc diện 62 huyện nghèo nhất cả nước. Tổng mức đầu tư là 5.964 tỷ đồng với nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Vốn điều lệ của Công ty là 1.800 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Ðiện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là cổ đông chi phối góp 55,3%, Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Quân đội góp 10%, NHTM cổ phần Bắc Á góp 14%, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) góp 14% và các cổ đông khác góp 5,8%; Vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tài trợ bằng nguồn vốn vay ưu đãi 2.240 tỷ đồng, và vốn vay tín dụng thương mại cùng các nguồn vốn khác.

Ðược sự chỉ đạo của PVN, PV Power, các cổ đông, sự nỗ lực của các nhà thầu Tập đoàn Công nghiệp Sông Ðà, LILAMA và sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An, VDB, đến nay các hạng mục công trình chính như đập dâng, đập tràn, hầm dẫn nước, tháp điều áp, nhà máy được thi công bám sát tiến độ đề ra với mục tiêu tiến độ tích nước lòng hồ vào tháng 5-2012 và phát điện vào quý IV-2012. Hạng mục đập dâng, đập tràn đã thi công 194 nghìn m3/448 nghìn m3 bê-tông các loại (đạt 43%) với khối lượng đổ bê-tông trung bình hằng tháng đạt từ 25 đến 30 nghìn m3. Hạng mục hầm dẫn nước đến nay khối lượng đào hầm đạt 2.020 m/3.812,87 m dài (đạt 53%). Theo đánh giá của chủ đầu tư, do địa chất phức tạp nên tiến độ thi công hầm dẫn nước hiện nay đang rất căng, vì vậy Công ty tập trung chỉ đạo đôn đốc các nhà thầu khẩn trương rà soát lại năng lực thiết bị, vật tư, phát động đợt thi đua nước rút 180 ngày đêm để bù đắp khối lượng chậm tiến độ, phấn đấu đạt mục tiêu thông tuyến hầm vào cuối tháng 8-2011.

Công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư

Thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư (TÐC), Công ty và lãnh đạo huyện Quế Phong tích cực triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng 16 điểm TÐC trong huyện để di chuyển 1.326 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu ra khỏi vùng ảnh hưởng ngập nước lòng hồ, đến đầu tháng 5-2011 đã xây dựng bảy điểm TÐC. Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình xây dựng các điểm TÐC như có 54% số hộ chỉ di chuyển trong xã, còn lại di chuyển trong huyện, các hộ dân mới đến cùng các hộ dân trong xã đã chung sống trong cùng cộng đồng lâu đời, với phong tục tập quán và quan hệ làng xã, dòng họ gắn bó, đây là điều kiện thuận lợi cho sự ổn định đời sống và sinh hoạt của bà con. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ TÐC cũng đang gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu TÐC quá lớn, chi phí phát sinh cao so với dự kiến ban đầu. Số tiền chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, TÐC là 886 tỷ đồng, nếu tính cả trượt giá sẽ khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ðể bảo đảm tiến độ xây dựng các hạng mục công trình, công tác giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước, chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Ðến hết tháng 4-2011 hoàn thành việc kiểm kê hiện trạng 16/16 điểm TÐC, đã thực hiện chi trả bồi thường 7/16 điểm. Hiện nay, đã tổ chức di dời 93 hộ dân đến điểm TÐC Piêng Cu, bà con nhân dân đã ổn định đời sống tại nơi ở mới. Ðây là điểm TÐC mẫu để rút kinh nghiệm triển khai đại trà. Từ giữa tháng 3 đến nay đã tổ chức họp với dân để các hộ đăng ký mẫu nhà, xác minh nhân khẩu và đăng ký hình thức TÐC đối với 1.326 hộ dân tất cả các bản vùng lòng hồ. Trong đó, số hộ đăng ký TÐC tập trung theo dự án là 1.056 hộ, đăng ký TÐC tự nguyện 270 hộ. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng ở các điểm TÐC đã được chủ đầu tư quan tâm, xây dựng hạ tầng cơ sở gồm: đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, nước sản xuất, san nền và xây dựng nhà ở cho các hộ dân đăng ký nhận nhà, khai hoang đồng ruộng. Anh Lương Văn Hùng, dân tộc Thái, trưởng bản vừa chuyển về khu TÐC Piêng Cu cho biết: Bà con dân tộc thiểu số di chuyển đến bản mới rất vui vì nơi ở mới có nhiều điều kiện thuận lợi, sắp tới bản sẽ đón thêm 77 hộ. Sau khi có chỗ ở mới khang trang, dân bản đề nghị chính quyền sớm lo đất sản xuất cho các gia đình để ổn định đời sống.

Khó khăn vướng mắc và các kiến nghị

Ðể bảo đảm tiến độ phát điện quý IV-2012, trong thời gian còn lại, chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các hạng mục công trình và giải phóng mặt bằng, di dân TÐC. Bình quân mỗi ngày công trường cần giải ngân hai tỷ (60 tỷ đồng/tháng) để thanh toán cho nhà thầu trả lương cho công nhân, mua vật tư, xăng dầu, sắt thép thi công. Trong cơ cấu nguồn vốn xây dựng dự án thủy điện Hủa Na, ngoài nguồn vốn tự có của chủ đầu tư thì nguồn vốn vay 2.240 tỷ đồng từ VDB đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên từ đầu năm 2011 đến nay, nguồn vốn này chỉ được giải ngân nhỏ giọt, trong năm tháng đầu năm nay mới giải ngân được 68,4 tỷ đồng (kế hoạch là 248 tỷ đồng). Những khó khăn về vốn nếu không được VDB hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ xây dựng, nhất là mục tiêu tích nước tháng 5-2012 và phát điện vào quý IV-2012. Chậm nhất đến cuối tháng 8-2012 không đóng hầm tích nước thì việc đưa nhà máy vào vận hành phát điện lên lưới quốc gia sẽ chậm một năm, kéo theo thiệt hại lớn về kinh tế cho các cổ đông tham gia đầu tư. Do đó, chủ đầu tư kiến nghị: VDB bố trí nguồn vốn và chỉ đạo Chi nhánh VDB Nghệ An giải ngân kịp thời cho dự án; UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư theo Quyết định số 34/2010/QÐ-TTg quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Tây Thanh Hóa để vận chuyển thiết bị cơ điện của dự án từ cảng Nghi Sơn về công trình.