Theo icon.evn.com.vn - 09/09/2011
Hội thảo quốc tế “Ngành thiết bị điện Việt Nam trước tiềm năng, cơ hội và thách thức” đã được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy thị trường thiết bị điện của Việt Nam trong thời gian tới.
Nâng cấp, cải tiến công nghệ
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hệ thống điện nước ta đang đối mặt với thực trạng cung ít hơn cầu. Chính vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện 7) với mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện để phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống xã hội. Thay đổi lớn nhất trong quy hoạch điện 7 là không còn chạy theo nhu cầu tiêu thụ điện bằng mọi giá, mà nhấn mạnh đến mục tiêu phải nâng cấp, cải tiến công nghệ để sử dụng điện có hiệu quả: từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nhu cầu vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 là 48,8 tỉ USD, để đưa công suất nguồn lên 75.000 MW, gấp 3,5 lần hiện nay và từ năm 2021 đến 2030 cần đầu tư tiếp 75 tỉ USD, đưa tổng công suất nguồn điện lên 148.800 MW.
Trong đó, riêng mục tiêu của ngành thiết bị điện Việt Nam giai đoạn 2010-2025 là ưu tiên sản xuất máy biến thế khô cấp trung thế và máy biến thế truyền tải cấp 110KV, 220KV, các loại máy biến thế đến 250MVA-220KV; đáp ứng 50-60% nhu cầu máy biến thế 110 KV-220 KV vào năm 2015; phát triển động cơ công suất lớn, động cơ cao áp và máy phát thuỷ điện đến 50MW; đảm bảo 55 - 65% nhu cầu trong nước vào năm 2015, xuất khẩu đạt 35 - 40% giá trị sản xuất của nhóm ngành; đầu tư sản xuất các loại công tơ điện tử, các loại khí cụ điện, các hệ thống đo đếm, giám sát, an toàn lưới điện, khí cụ điện cấp trung và cao thế, tủ, bảng điện và trọn bộ thiết bị trạm điện.
Mục tiêu đến năm 2015 là tập trung sản xuất các loại dây, cáp điện chất lượng cao, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu tăng 35,5% /năm; sản xuất các phụ kiện đường dây, đặc biệt là phụ kiện cho đường dây cao thế đến 220kV, phục vụ cho chương trình phát triển lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, theo EVN, để thực hiện kế hoạch trong từng giai đoạn của Tổng sơ đồ đặt ra là thách thức lớn cho các doanh nghiệp ngành điện nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội mới.
Những chính sách ưu đãi
Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Phạm Anh Tuấn cho hay mặc dù Việt Nam đã có những thành tích đáng kể trong việc chế tạo các thiết bị ngành điện, nhưng vẫn đang đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Đó là thiếu vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và đầu tư mới; thiếu lực lượng nghiên cứu phát triển, đội ngũ thiết kế còn thiếu kinh nghiệm; thiếu các tổng công trình sư hoặc kỹ sư trưởng cho các dự án chế tạo thiết bị toàn bộ cho nhà máy điện; tiếu lực lượng công nhân có tay nghề cao để tham gia chế tạo thiết bị nhà máy điện.
Để định hướng phát triển ngành chế tạo thiết bị điện Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 186/QĐ-TTg. Cụ thể là xây dựng ngành sản xuất thiết bị điện hiện đại, đến năm 2020 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về công nghiệp thiết bị điện và vật liệu điện; đầu tư mới, đầu tư chiều sâu thiết bị điện với công nghệ tiên tiến để nhanh chóng nâng cao năng lực chế tạo thiết bị điện, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước, thay thế các thiết bị nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới. Trước mắt cần đầu tư chiều sâu và mở rộng sản xuất của các cơ sở hiện có để có thể sản xuất được các loại biến áp lớn đến 125 MVA, điện áp 220 kV, các thiết bị phân phối, truyền dẫn cho ngành điện lực, thiết bị áp lực và các thiết bị điện khác cho ngành công nghiệp và dân dụng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất thiết bị cho các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, các sản phẩm như máy biến áp từ 220KVA trở lên, toàn bộ phần thiết bị trạm biến áp từ 220 KV trở lên được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư, kích cầu, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, về thuế phí... Hai quyết định này là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển ngành thiết bị điện Việt Nam.
Những chính sách ưu đãi của Quyết định 10/2009/QĐ-TTg sẽ tạo ra những cơ hội cho các danh nghiệp ngành thiết bị điện Việt Nam trong việc nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.