Hướng dẫn xử lý các hành vi trộm cắp điện là nội dung của công văn số 396/SCN-QLĐN, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh
Nhằm thống nhất việc xử lý một số hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện, đồng thời để giảm thiểu tình trạng khiếu nại của người dân. Ngày 10/4/2007, Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 396/SCN-QLĐN gửi Công ty Điện lực thành phố và các Điện lực khu vực hướng dẫn việc xử lý một số hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện, như sau:
1. Đối với các hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức, thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm bằng giá trị sản lượng điện bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra, nếu bên bị vi phạm chứng minh được giá trị tổn thất thực tế, mức tổn hao do hành vi vi phạm gây ra và bị phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán điện, nếu bên bán và bên mua điện có thỏa thuận trong hợp đồng mua, bán điện. Riêng hợp đồng mua, bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt được ký kết giữa bên bán điện và bên mua điện (mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 08/2006/QĐ-BCN ngày 12/4/2006 của Bộ Công nghiệp) thì đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức bị xử lý theo quy định của pháp luật, không quy định phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua, bán điện.
Ngoài việc bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm, bên vi phạm còn bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, áp dụng cho từng trường hợp cụ thể như sau:
1.1. Trường hợp trộm cắp điện với số lượng dưới 500 kWh: Ngoài việc lập biên bản kiểm tra sử dụng điện, kiểm tra viên điện lực của các đơn vị điện lực cần lập biên bản vi phạm hành chính theo mẫu quy định tại phụ lục 4, Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN ngày 06/9/2006 của Bộ Công nghiệp. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, biên bản vi phạm hành chính, các tang vật, phương tiện vi phạm và bảng chiết tính điện năng bồi thường phải được chuyển đến UBND các cấp hoặc Thanh tra Điện lực Sở Công nghiệp để tiến hành thủ tục xử phạt hành chính với các vi phạm được quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 9 của Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.
1.2. Trường hợp trộm cắp điện với số lượng từ 500 kWh trở lên, thì sau khi lập biên bản vi phạm sử dụng điện và biên bản vi phạm hành chính, bên bán điện phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, trong trường hợp cá nhân có hành
vi trộm cắp điện đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án để xử lý hành chính của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng khung hình phạt cao nhất tùy theo mục đích trộm cắp điện. Trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực là ba (03) tháng kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và trả hồ sơ vi phạm.
2. Đối với việc ngừng cung cấp điện do chưa thực hiện việc bồi thường thiệt hại vi phạm hợp đồng mua, bán điện: Thời hạn trả tiền bồi thường thiệt hại do bên bán điện và bên mua điện tự thỏa thuận nhưng chậm nhất không quá 15 ngày, kể từ ngày chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu quá thời hạn trên, bên vi phạm chịu lãi suất chậm trễ trên số tiền bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, bên bán điện không áp dụng khoản 6 Điều 23 của Luật Điện lực, thông báo 3 (ba) lần sau 15 ngày, kề từ lần thông báo đầu tiên để thực hiện việc ngừng cung cấp điện đối với bên mua điện, vì điều luật này chỉ quy định về thanh toán tiền điện đã sử dụng được ghi trong hóa đơn.
3. Trường hợp đối với các điện kế bị nứt, bễ, bị khoan lỗ vỏ hộp, điện kế có niêm chì bị đứt, biến dạng hoặc mất.
3.1. Nếu hành vi vi phạm bị phát hiện quả tang khi đang thực hiện nhằm mục đích trộm cắp điện với chứng cứ rõ ràng thì thực hiện theo mục 1 của văn bản này.
3.2. Trường hợp hành vi vi phạm không có chứng cứ quả tang, nhưng đây là hành vi phá hoại trang thiết bị, thiết bị đo đếm điện, hành vi này bị cấm theo khoản 1 Điều 7 của Luật Điện lực. Khi phát hiện hành vi trên sẽ áp dụng hình thức xử lý như sau:
Nếu bên bị vi phạm chứng minh được giá trị tổn thất thực tế, mức độ tổn hao do hành vi vi phạm gây ra thì ngoài việc bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm bằng giá trị sản lượng điện bị mất, bên vi phạm còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/3/2003 của Chính phủ.
Nếu bên bị vi phạm không chứng minh được
giá trị tổn thất thực tế, mức tổn hao do hành vi vi phạm gây ra thì bên vi phạm không thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/3/2003 của Chính phủ.
Cũng theo tinh thần công văn này thì các quy định có liên quan đến việc xử lý vi phạm hợp đồng mua, bán điện được ban hành trước khi Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN ngày 06/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp có hiệu lực thi hành đều bãi bỏ.
Xem thêm : Quy định xử lý ăn cắp điện của Chính phủ