Theo icon.evn.com.vn - 16/06/2011
Làm thế nào để hiện đại hóa lưới điện Thủ đô?

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế, thì công tác phát triển lưới điện trên phạm vi cả nước luôn được ngành Điện quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Duy Dụng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội xung quanh vấn đề “Làm thế nào để hiện đại hóa lưới điện Thủ đô”.

PV: Ông có thể giới thiệu khái quát lưới điện trên địa bàn thành phố Hà Nội?

Ông Bùi Duy Dụng: Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, thành phố Hà Nội chủ yếu nhận nguồn điện từ các Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Nhiệt điện Phả Lại và từ hệ thống 500 kV thông qua 06 trạm biến áp 220 kV và 05 trạm biến áp 110 kV (do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý), bao gồm các trạm Hà Đông; Chèm; Mai Động; Sóc Sơn; Xuân Mai và Phố Nối để cấp cho các phụ tải. Tổng công ty Điện lực Tp. Hà Nội (EVN HANOI) chỉ quản lý 28 trạm biến áp 110 kV (tổng dung lượng khoảng 3.000 MVA; 622,519 km đường dây 110 kV (trong đó có 235,591 km mạch đơn, 386,978 km mạch kép) và 7,8 km cáp ngầm. Khối lượng lưới điện trung áp trên địa bàn từ 6 kV – 35 kV cũng khá lớn, với 12.235 trạm biến áp (tổng công suất khoảng 6.922 MVA) và đường dây 35 kV có khoảng 2.163 km, trong đó có 112 km cáp ngầm. Bên cạnh đó, còn khoảng 4.627 km đường dây 22 kV, 10 kV và 6 kV...

PV: Với hệ thống lưới điện như vậy, EVN HANOI sẽ yên tâm hơn trong việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân?

Ông Bùi Duy Dụng: Không hề đơn giản, bởi thời gian qua, do một số công trình 220 kV cấp điện cho địa bàn Hà Nội triển khai xây dựng chậm, hoặc không hoàn thành do thiếu vốn, do vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng và cả vấn đề thiếu động bộ trong đấu nối lưới điện 110 kV với 220 kV, nên việc quản lý, vận hành lưới điện 110 kV gặp rất nhiều khó khăn. Lưới điện 6 kV và hạ áp nông thôn nhiều khu vực, nhất là vùng ngoại thành, địa bàn Hà Tây cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng điện thấp, đấy là chưa kể ý thức bảo vệ an toàn hành lang lưới điện của một bộ phận dân cư chưa cao cũng gây nên tình trạng mất an toàn và tỷ lệ tổn thất chưa đạt như mong muốn.

PV: Vậy, ông có thể cho biết, trong những năm tới, EVN HANOI sẽ có kế hoạch như thế nào để hiện đại hóa lưới điện, đảm bảo mỹ quan đô thị?

Ông Bùi Duy Dụng: Thực hiện “Đề án cấp bách đảm bảo cung cấp điện cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2011”, ngoài phần đường dây trên không, Tổng công ty đã và đang triển khai, phối hợp đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 02 trạm biến áp 220 kV và hàng chục trạm biến áp 110 kV ở hầu hết các quận, huyện (trong đó có 10 công trình được xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 09 công trình khác). Giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020, EVN HANOI dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 27 trạm biến áp 110 kV và cải tạo, nâng công suất, xây dựng mới hàng chục công trình đường dây 110 kV... Riêng lưới điện trung thế thì đến năm 2015, dự kiến sẽ cải tạo sử dụng chủ yếu lưới điện 22 kV (tỷ lệ ngầm hóa khoảng 35%). Trong đó, để đảm bảo hiện đại hóa lưới điện và mỹ quan thành phố, tại các khu đô thị mới, khu công nghiệp, các xuất tuyến sẽ được xây dựng mới sau trạm 110 kV tại 08 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai sẽ được ngầm hóa lưới điện 100%; các quận huyện như Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì, Từ Liêm, Sơn Tây sẽ được ngầm hóa từ 40-80%...

Ngoài ra, Tổng công ty cũng sẽ tăng cường phân đoạn sự cố các đường trục, các nhánh rẽ lớn bằng các thiết bị Recloser, LBS... trang bị hệ thống thiết bị điều khiển hiện đại; ngầm hóa lưới điện trung áp khu vực trung tâm đạt 90-100%; bù công suất phản kháng trên lưới đạt chuẩn có (φ) ≥0,9; không sử dụng đường dây cáp AC, còn cáp ngầm sẽ sử dụng cáp khô XLPE-Cu chống thấm dọc và ngang; sẽ lắp đặt và sử dụng trạm biến áp loại xây, kiosk, bệt, treo, 1 cột, riêng khu vực nội thành sẽ sử dụng toàn bộ trạm xây, kiosk và 1 cột...

PV: Với khối lượng xây dựng, nâng cấp và cải tạo lớn như vậy thì EVN HANOI sẽ phải huy động vốn như thế nào và có khó khăn gì, thưa ông?

Ông Bùi Duy Dụng: Để thực hiện tốt Quy hoạch phát triển lưới điện trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020, thì tổng nhu cầu vốn đầu tư cần khoảng 19.481,1 tỷ đồng, trong đó: Vốn do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thu xếp là 5.420,6 tỷ đồng; vốn do EVN HANOI tự cân đối và thu xếp là 14.060,6 tỷ đồng (trong đó, lưới điện 220 kV khoảng 692,8 tỷ đồng, lưới điện 110 kV là 4.861,9 tỷ đồng, lưới điện trung thế 6.568,9 tỷ đồng và lưới điện hạ thế là 1.936,8 tỷ đồng). Khó khăn hiện nay là, đối với các công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2012, Tổng công ty Điện lực Tp. Hà Nội mới chỉ thu xếp được 386,6/1.286,8 tỷ đồng. Riêng với khối lượng đầu tư còn lại theo quy hoạch thì EVN HANOI dự kiến sẽ thu xếp được 1.514,5/12.773,8 tỷ đồng (có cả nguồn vốn dự kiến vay của WB là 56 triệu USD giai đoạn 2012-2017). Bên cạnh đó, nguồn vốn khấu hao cơ bản của Tổng công ty chỉ đủ trả gốc và lãi hàng năm, do các công trình đầu tư giai đoạn 2006-2010 chủ yếu bố trí bằng nguồn vốn vay tín dụng thương mại để đầu tư (lãi suất từ 14-17% và thời gian trả gốc ngắn), đã gây nhiều khó khăn cho EVN HANOI trong việc cân đối nguồn tài chính...

PV: Để thực hiện các dự án theo quy hoạch đề ra, thì ngoài vấn đề vốn cho thi công các công trình, Tổng công ty có đề xuất, kiến nghị gì với Bộ, ngành và địa phương?

Ông Bùi Duy Dụng: EVN HANOI đề nghị Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội sớm phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020, nhằm giúp cho quy hoạch phát triển điện các giai đoạn được liên tục, không bị gián đoạn; thành lập ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển lưới điện từ cấp quận, huyện đến Thành phố (ví dụ: Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, ban chỉ đạo xử lý vi phạm an toàn hành lang tuyến)...; tăng cường quản lý nhà nước trong quy hoạch phát triển điện cho các phụ tải, đặc biệt là các phụ tải lớn, phụ tải nằm ngoài quy hoạch; đơn giản hóa thủ tục để phát triển lưới điện hạ thế (0,4 kV), nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lưới điện đầu tư xây dựng, kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp bách về chống quá tải và cấp điện ổn định. Đối với những khu công nghiệp, khu đầu tư mới..., chủ đầu tư dự án phải có trách nhiệm lập quy hoạch và bố trí quỹ đất cho việc xây dựng đường dây và trạm biến áp 110 kV theo quy hoạch đã phê duyệt.

Đối với UBND Thành phố, khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị và khu công nghiệp tập trung, cần phê duyệt quỹ đất sạch cho việc xây dựng trạm biến áp và đường dây cung cấp điện cho khu vực; riêng đường dây cao thế, trung thế cải tạo và tuyến đường dây trung thế xây dựng mới sử dụng cột bê tông ly tâm, hoặc mở rộng móng cột, diện tích chiếm dụng đất nhỏ (từ 1m2 – 8m2) thì đề nghị Thành phố cho quyết định trưng dụng để triển khai thi công dự án, đồng thời tiếp tục làm các thủ tục thu hồi đất vĩnh viễn cho công trình theo quy định.

PV: Xin cám ơn ông!