Theo baocongthuong.com.vn - 17/06/2011
Dè dặt triển khai dự án BOT ngành điện

Vào mùa mưa, các nhà máy điện BOT có giá mua điện cao hơn các nhà máy thủy điện vẫn được phát điện lên lưới, trong khi các nhà máy thủy điện thừa nước có thể phải dừng.

CôngThương - Dự án Nhiệt điện BOT Mông Dương 2, công suất 1.200 MW được lên kế hoạch khởi công vào giữa tháng 7/2011, sẽ là viên gạch kế tiếp sau hai dự án BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 cách đây gần 10 năm.

Cho tới thời điểm này, Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh của Dự án điện BOT Mông Dương đang chờ được cấp lại khi chủ đầu tư Dự án có những thay đổi so với thời điểm nhận được Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên, cách đây gần 18 tháng.

Ban đầu, Dự án BOT điện Mông Dương 2 do Tập đoàn AES (Mỹ) và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin) thỏa thuận đầu tư với tỷ lệ cổ phần tương ứng 90% và 10%. Tuy nhiên, vào thời điểm bắt đầu phải đặt cọc cho các nhà thầu, Vinacomin đã rút lui khỏi Dự án. AES cũng đã tìm kiếm được hai đối tác khác tham gia là Posco Power (Hàn Quốc) và CIC (Trung Quốc) với việc chấp nhận mua tổng cộng tới 49% cổ phần của Dự án. CIC cũng là một cổ đông của Tập đoàn AES tại Mỹ, vì bản chất của CIC là một quỹ đầu tư nhà nước của Trung Quốc.

Ông Ian Fox, Tổng giám đốc AES tại Việt Nam, khi trao đổi với báo giới đã cho hay, sự tham gia của Posco và CIC sẽ giúp Dự án nhận được sự bảo lãnh tài chính của chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng thời dễ huy động vốn từ ngân hàng các nước này. Mông Dương 2 cũng là dự án điện thứ ba tại Việt Nam được triển khai theo hình thức BOT, sau các dự án Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3.

“Sắp tới, sẽ có 4-5 dự án khác theo hình thức này được cấp phép, nhưng nhìn chung, các nhà đầu tư sẽ còn phải tiếp tục đàm phán rất nhiều và cần những cam kết rõ ràng từ Chính phủ Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng, trong thời gian tới, sẽ có hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực nguồn điện”, ông Ian Fox nói.

Theo Bộ Công thương, hiện có 11 dự án điện BOT đang trong quá trình đàm phán dự án. Trong số này, có 8 dự án đã xác định được chủ đầu tư thực hiện việc phát triển dự án, 3 dự án còn lại là Nghi Sơn 2, Vũng Áng 3 và Ô Môn 2 sẽ lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án theo hình thức đấu thầu.

Ngoài Dự án Mông Dương 2 đang chờ điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, Dự án Nhiệt điện Hải Dương có quy mô 1.200 MW cũng đã hoàn tất các đàm phán liên quan và đang chờ được cấp phép. Các dự án điện BOT khác là Vĩnh Tân 1, Nam Định, Vũng Áng 2, Vân Phong 1, Duyên Hải 2 và Vĩnh Tân 3 đang trong giai đoạn đàm phán các hợp đồng liên quan để hoàn tất hồ sơ, phục vụ việc cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Một chuyên gia thuộc Tổ đàm phán các dự án điện BOT cho hay, dự án điện BOT thường phải vay vốn chủ yếu của ngân hàng (chiếm 70 - 80% tổng vốn), bởi vậy, việc đàm phán các điều khoản liên quan đến hoạt động của dự án chính là đàm phán với các ngân hàng dày dạn kinh nghiệm. Vì vậy, có những vấn đề mà chủ đầu tư thấy chấp nhận được, nhưng ngân hàng lại chưa đồng ý, nên thời gian đàm phán cũng bị kéo dài và căng thẳng hơn.

Hiện các vấn đề gây khó khăn trong quá trình thương thảo dự án điện BOT chính là bảo lãnh chính phủ cho chuyển đổi ngoại tệ và luật áp dụng. “Ngoài hai dự án đã hoạt động là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 được bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ 100%, hiện có thêm một số dự án điện khác như Mông Dương 2, Nghi Sơn 2... sẽ được bảo lãnh tương tự. Việc bảo lãnh với dự án điện BOT khác sẽ theo hướng đưa ra một khung chung và giảm mạnh so với các dự án Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3”, chuyên gia này cho hay.

“Các dự án điện BOT được cấp phép có thời gian phát điện ổn định với giá cả rõ ràng theo các cam kết và không phải tham gia thị trường điện cạnh tranh. Thậm chí, vào mùa mưa, các nhà máy điện BOT có giá mua điện cao hơn các nhà máy thủy điện vẫn được phát điện lên lưới, trong khi các nhà máy thủy điện thừa nước có thể phải dừng. Vì vậy, đàm phán các dự án điện BOT được thực hiện khá cẩn trọng trong giai đoạn hiện nay để tránh hệ thống phải mua điện giá đắt”, vị chuyên gia này nói.