Theo baocongthuong.com.vn - 25/05/2011
Nhà máy đường phát điện

Sử dụng bã mía để sản xuất điện đã được áp dụng trong hầu hết các nhà máy đường. Nhưng đầu tư để làm ra điện, bán điện thì chỉ mới có số ít nhà máy làm được.

CôngThương - Theo ông Vũ Thành Châu - Phó tổng giám đốc Kỹ thuật Công ty Đường Ninh Hòa - NHS (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), mỗi ngày công ty thu được 30 triệu đồng tiền bán điện cho EVN, mỗi năm khoảng 4,2 tỷ đồng, như vậy đủ tiền trả lương cơ bản cho cán bộ, công nhân viên toàn công ty.

Hệ thống đồng phát điện sử dụng nguyên liệu bã mía đã được NHS sử dụng từ khi nhà máy đi vào hoạt động năm 1996. Tuy nhiên, do sử dụng turbine áp lực thấp nên chỉ có thể cung cấp một phần năng lượng hơi và điện cho dây chuyền chế biến đường của nhà máy. Năm 2010, thấy tình hình thiếu điện xảy ra trầm trọng, NHS đã đầu tư thêm thiết bị có công suất gấp đôi máy cũ. Hiện nay, với hai hệ thống cũ và mới, NHS sản xuất ra khoảng 7,5 MW điện, sau khi sử dụng cho hoạt động của nhà máy còn bán cho EVN 2,7 MW (bắt đầu phát điện lên lưới của EVN từ 12/2010).

Trước đây, mỗi ngày NHS tồn dư 140 tấn bã mía, nếu tích cực bán nguyên liệu làm phân, làm thức ăn nuôi bò… cũng không hết, gây ô nhiễm môi trường. Nay, cứ 5kg bã mía sẽ sản xuất được 1kWh điện nên lượng bã mía phế thải được sử dụng hết và thu về khoản tiền không nhỏ.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay đã có 8/44 nhà máy đường sử dụng thiết bị sản xuất điện từ bã mía, bán phần điện thặng dư cho EVN. Ngoài việc góp phần không nhỏ vào sản lượng điện thiếu hụt của cả nước, tăng thu nhập cho nhà máy và nông dân…, điện làm từ bã mía còn được đánh giá là năng lượng sạch do làm từ nguồn nguyên liệu tái chế. Nguồn điện này còn giúp giảm chi phí tổn thất truyền tải của nguồn trung tâm; giúp phát triển điện tại khu vực nông thôn khi nhà máy đường cấp điện cho vùng nông thôn lân cận…