Theo icon.evn.com.vn - 20/05/2011
“Hòa Bình - ánh điện không bao giờ tắt”

Cuốn sách là tập hồi ký với nhiều câu chuyện cảm động về những người bạn lớn của nhân dân Việt Nam đã cống hiến sức lực, trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu của mình, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam nói chung và ngành điện nói riêng, phát triển như ngày hôm nay.

Đón và tiếp đoàn có đồng chí Thái Phụng Nê, phái viên của Thủ tướng Chính phủ, một trong những chuyên gia đầu ngành của năng lượng Việt Nam, người cộng sự đã gắn bó với các chuyên gia Liên Xô (trước đây) qua rất nhiều công trình thủy điện quan trọng của đất nước và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn qua các thời kỳ. Thay mặt tập thể lãnh đạo tập đoàn, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh đã bày tỏ tình cảm vui mừng được chào đón đoàn, những người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.

Trải qua hơn 56 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành Điện cách mạng Việt Nam đã phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một gia tài nghèo nàn, lạc hậu sau khi tiếp quản thủ đô vào tháng 10/1954 với vỏn vẹn 31,5 MW công suất, sản lượng điện khoảng 53 triệu kwh/năm, đến hết năm 2010, tổng công suất nguồn điện cả nước đã đạt trên 22.000 MW với sản lượng toàn hệ thống đạt gần 100 tỷ kwh, tốc độ tăng trưởng bình quân các năm đạt trên 15%, tăng gấp hơn 2 lần so với tăng trưởng GDP, đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Và trong suốt quá trình lịch sử phát triển ngành Điện Việt Nam, giai đoạn nào cũng in đậm những dấu ấn về sự giúp đỡ của các chuyên gia năng lượng Liên Xô và Liên bang Nga.

Trong thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, các cơ sở ngành điện đã trở thành những mục tiêu trọng điểm bị tập trung đánh phá. Cùng với sự giúp đỡ của các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô, ngành điện Việt Nam đã đẩy mạnh việc xây dựng các nhà máy điện mới như: thủy điện Thác Bà, mở rộng thêm phần cao áp Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, đồng thời xây dựng và mở rộng hệ thống đường dây, trạm biến áp, nâng cao năng lực khảo sát, thiết kế, giám sát và quản lý các dự án.

Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, ngành điện Việt Nam đã triển khai nhiều công trình lớn như: Nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Trị An, thủy điện Ialy…

Những năm qua, Liên bang Nga vẫn đang tiếp tục hỗ trợ Việt Nam bằng các việc làm cụ thể như: tiếp tục tham gia xây dựng dự án thủy điện Thác Mơ, đầu tư nâng cấp các nhà máy điện cũ do Liên Xô trước đây giúp đỡ xây dựng (Nhà máy thủy điện Thác Bà, nhiệt điện Phả Lại), tham gia xây dựng các nhà máy thủy điện Sê San 3, Plêikrông, Buôn Kuốp, A Vương… Đặc biệt, hai Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga đã ký Hợp đồng liên Chính phủ về việc Liên bang Nga sẽ tham gia xây dựng Nhà máy Điện Nguyên tử đầu tiên tại Việt Nam.

Từ những năm tháng khó khăn cho đến hôm nay, Liên Xô và Liên bang Nga đã đào tạo nhiều cán bộ, kỹ sư cho Việt Nam nói chung và cho ngành Điện Việt Nam nói riêng. Rất nhiều người trong số họ đã trở thành những cán bộ cao cấp của Việt Nam.

Trưởng đoàn cựu chuyên gia Liên Xô Pazdeiev Anatoly xúc động phát biểu: “Kế hoạch điện khí hóa của Lê Nin - lãnh tụ thiên tài phong trào cộng sản quốc tế của đất nước Liên Xô - chúng tôi đã được thực hiện trọn vẹn ở Việt Nam, đất nước mà ngày nay gần như 100% các hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia, thật là kỳ tích tự hào”. Và ông đã xin được gia nhập đội quân của ngành năng lượng Việt Nam.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng những đóng góp của các chuyên gia năng lượng Liên Xô và Liên bang Nga sẽ mãi mãi ghi vào trang sử vẻ vang của ngành Điện Việt Nam như hình ảnh của người khổng lồ bất diệt. Tiếp tục phát huy những kiến thức, tinh thần làm việc và cống hiến của các chuyên gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang làm hết sức mình để những đóng góp của các đồng chí cựu chuyên gia ngày càng được nhân lên.