Theo sggp.org.vn - 16/05/2011
Nạn cắt trộm dây chiếu sáng công cộng: Cần thuốc đặc trị

Nạn cắt trộm dây điện, dây chiếu sáng công cộng (CSCC) trên địa bàn TPHCM đang trở thành vấn đề làm đau đầu cơ quan chức năng bởi đây không chỉ là hành vi xâm phạm tài sản Nhà nước mà còn ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông.

“Ngủ ngày quen mắt”

Lúc 23 giờ 30 ngày 13-4-2010, Nguyễn Văn Cường sinh năm 1992 ngụ tại ấp Nhị Tân 1, xã Tân Thới Nhì huyện Hóc Môn; Lê Văn Minh sinh năm 1986 ngụ tại phường 10 quận Tân Bình cùng với tên Thanh (chưa rõ họ và địa chỉ), rủ nhau đi cắt trộm dây điện, dây CSCC để bán lấy tiền tiêu xài. Thế là cả 3 đến đường Đỗ Văn Dậy, ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn để “hành nghề”. Minh và Thanh đứng dưới cảnh giới còn Cường leo lên cắt dây. Cắt xong, cả bọn chất “chiến lợi phẩm” lên xe chạy về nhà cất giấu. Khi đến khu vực xã Tân Thới Nhì, thì bị công an xã đi tuần tra phát hiện, bắt giữ. Tang vật thu giữ là cây kềm cắt và 118m dây điện thoại loại cáp 4x11mm.

Khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 15-9-2010, Thạch Phước sinh năm 1984 ngụ tại Cầu Kè tỉnh Trà Vinh, tạm trú tại xã Tân Thông Hội huyện Củ Chi, mang theo một cây kềm cắt dây điện đi đến đường 411 thuộc ấp 3 xã Phước Vĩnh An, leo lên cắt trộm 48m dây điện chiếu sáng. Cắt xong, Phước cuốn dây lại, giấu vào gốc tre gần đó rồi ra về. Đến 6 giờ sáng cùng ngày, Phước mang theo một bao nylon lớn quay lại gốc tre định mang dây cắt trộm đi thì bị phát hiện bắt giữ với đầy đủ tang chứng, vật chứng.

Thế nhưng có lẽ gan lì nhất, “đình đám” nhất trong giới “chôm” dây điện thoại, dây CSCC chính là băng nhóm gồm Trần Thanh Hùng, Trần Văn Sỹ, Phạm Văn Vũ, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Dũng, Trần Đắc Vũ, Nguyễn Thanh Hoàng và Trần Văn Lộc, tuổi từ 17-26 và cùng ngụ tại xã Phạm Văn Cội - Củ Chi. Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Củ Chi cho biết trong thời gian từ giữa năm 2007 đến cuối năm 2009, băng nhóm này đã thực hiện ngót nghét 20 vụ cắt trộm dây chiếu sáng với tổng số dây bị mất tương đương hơn 150 triệu đồng. Trong đó, vụ “hiền” nhất băng nhóm này cắt trộm 25m dây trị giá hơn 1 triệu đồng, còn vụ nghiêm trọng nhất bọn này “xơi” được 171m dây với trị giá 25.650.000 đồng.

Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các vụ cắt trộm dây điện, dây CSCC thời gian qua đều xảy ra ở địa bàn các huyện ngoại thành, xa trung tâm thành phố đã đành mà còn xa cả khu dân cư tại địa phương. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy “con mồi” lý tưởng cho kẻ cắp chính là những chỗ vắng người, khu đồng trống và thời điểm dễ xảy ra trộm cắp là đêm hôm khuya khoắt khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, thậm chí trời mưa càng được kẻ cắp xem là điều kiện… tốt!

Chỉ tính trong quý 1 năm nay, địa bàn quận 12 bị mất 3.489m dây các loại; huyện Hóc Môn bị mất 3.142m; Củ Chi: 7.674m; quận 2: 1.890m; quận 9: 4.441m; quận Thủ Đức: 3.763m… Còn trong cả năm ngoái, địa bàn quận 2 bị mất tổng cộng 11.005m dây các loại; quận 9 mất 11.582m; quận Thủ Đức mất 15.844m…

Thống kê từ Cơ quan công an cho thấy toàn bộ những kẻ trộm cắp dây điện, dây CSCC đều rơi vào diện không nghề nghiệp, không biết chữ hoặc chỉ mới học tới cấp 2 thì nghỉ, đáng chú ý khi không ít thủ phạm là con nghiện.

Toa thuốc đặc trị nào?

Rõ ràng thiệt hại tức thì, trước mắt từ những vụ cắt trộm này là hệ thống viễn thông bị gián đoạn, hệ thống chiếu sáng ở địa phương bị vô hiệu hóa, rồi sau đó cơ quan chức năng phải khổ công khôi phục, vừa tốn kém về tài chính, vừa mất thời gian, công sức.

Để đối phó với tệ nạn trên, thời gian qua các cơ quan chức năng đã phải sử dụng đồng thời nhiều biện pháp, cũng như có sự phối hợp phân công phân cấp trách nhiệm quản lý địa bàn cụ thể, trong đó trách nhiệm chính vẫn thuộc về chính quyền địa phương.

Một số biện pháp kỹ thuật đã được cơ quan chức năng áp dụng nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng dây cáp hạ tầng bị mất trộm, chẳng hạn như biện pháp buộc chặt dây nguồn chiếu sáng vào đầu trụ bê tông, lấy nhiều đoạn dây cáp thép ngắn buộc chặt thêm vào các móc đỡ dây tại các đầu trụ bê tông, chuyên môn gọi là “nóp dây”; lắp thử nghiệm ở một số nơi hệ thống báo động bằng điện tử: khi kẻ trộm cắt trộm dây, còi sẽ tự động hú vang đồng thời báo tin đến số điện thoại đã được cài đặt sẵn; ngầm hóa bê tông hệ thống dây hạ tầng kỹ thuật…

Trong số các biện pháp đó, gần như chỉ có cách ngầm hóa hệ thống dây cáp là an toàn nhất, hiệu quả nhất, bởi vì ở những đoạn, những nơi đã ngầm hóa thì hoàn toàn không còn xảy ra cắt trộm nữa. Thế nhưng, các chuyên gia chỉ ra rằng hạn chế lớn nhất của biện pháp này là đòi hỏi vốn đầu tư lớn, gấp khoảng 3-3,5 lần so với dây kéo nổi.

Nếu tất cả các biện pháp kỹ thuật nêu trên vẫn không ngăn chặn được hữu hiệu thì sao? Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, ông Vũ Kiến Thiết cho rằng sau khi triển khai tất cả các giải pháp kỹ thuật mà tình trạng mất trộm vẫn tái diễn, bấy giờ phương cách cuối cùng nên là xã hội hóa việc cùng quản lý, cùng chịu trách nhiệm.

Theo đó, một khi nạn cắt trộm dây CSCC tái diễn nhiều lần, cơ quan chức năng quản lý của thành phố sẽ phối hợp cùng địa phương trong việc kéo khôi phục dây nguồn và bảo vệ hệ thống CSCC theo nguyên tắc địa phương nào có nhu cầu kéo lại dây nguồn CSCC bị mất cắp, địa phương ấy sẽ chịu trách nhiệm huy động nguồn vốn mua dây cáp nguồn, còn việc lắp đặt do nguồn vốn duy tu của Nhà nước cấp. Giám đốc Vũ Kiến Thiết giải thích rằng việc xã hội hóa như thế một mặt giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, mặt khác tăng thêm trách nhiệm của địa phương trong việc bảo vệ tài sản chung của cộng đồng.

Trong khi đó, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 3 cho rằng để biện pháp phòng chống mất cắp dây điện thoại, dây CSCC hiệu quả hơn, một trong những cách là Nhà nước cần tăng tính răn đe bằng cách tăng mức hình phạt tội trộm cắp loại vật tư này lên mức cao hơn, chẳng hạn “tội trộm cắp tài sản an ninh quốc gia”.

Thiết nghĩ về lâu về dài, thành phố cũng cần từng bước ngầm hóa các đường dây hạ tầng kỹ thuật. Nên chăng trước mắt, đối với những công trình lắp đặt mới, thi công mới thì đều phải ưu tiên ngầm hóa, biết rằng như thế sẽ tốn kém hơn so với đi nổi trên cao, nhưng bù lại về lâu về dài, thành phố không phải tốn công tốn của kéo dây khôi phục những đoạn bị cắt trộm.

Cũng có ý kiến cho rằng cần quản lý chặt các điểm thu mua ve chai, phế liệu, yêu cầu những nơi này không mua dây cáp điện thoại, dây điện, dây CSCC. Bởi vì một khi “đầu ra” không có, kẻ trộm cũng không còn “đất” để… hành nghề!