Theo icon.evn.com.vn - 10/05/2011
Giá điện sẽ là sức ép, cơ hội để các DN tiết kiệm và đổi mới công nghệ, sử dụng điện hiệu quả nhất

Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngoài những khó khăn về nguồn cung thì hiệu quả sử dụng điện ở Việt Nam cũng là vấn đề cần bàn. Mặc dù chính phủ đã giao cho Bộ Công thương ban hành hướng dẫn về tiết kiệm điện là 10% nhưng việc sử dụng năng lượng, trong đó có vấn đề sử dụng điện, vẫn còn thiếu hiệu quả, lãng phí, thiết bị công nghệ lạc hậu, hiệu suất sử dụng thấp. Đảm bảo năng lượng được nhiều chuyên gia gọi là bài toán "hai đáp số" tức là nó phải giải quyết từ hai phía: tăng nguồn cung cấp và tiết kiệm từ người sử dụng. Trong khi nỗ lực tăng nguồn cung không thể theo kịp nhu cầu thì tiết kiệm điện đã được đặt ra nhưng không được sử dụng hiệu quả.

Công nghệ lạc hậu gây lãng phí

Theo thống kê, việc tiêu thụ điện cho sản xuất của Việt Nam còn lãng phí, hiện cao nhất trong khu vực. Lấy ví dụ, ở Việt Nam để tăng trưởng kinh tế 1 thì tăng trưởng điện phải tiêu tốn gần 2-2,5 lần, trong khi các nước lân cận chỉ từ 1-1,5 lần. Điều đó cho thấy việc sử dụng điện cần phải tính đến hiệu quả.

Trong thống kê của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho thấy, riêng quí I/2011 lượng điện thương phẩm đạt 21.100 triệu kwh, tăng 12,16%, trong đó điện tiêu dùng nội địa tăng 12,23%. So sánh với tốc độ tăng trưởng GDP của quí I thì tốc độ tăng trưởng điện đã tăng 2,25 lần, đặc biệt là công nghiệp, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm là 15,93%, gấp 2,91 lần tốc độ tăng trưởng GDP của ngành công nghiệp, điều đó thể hiện việc sử dụng điện vẫn kém hiệu quả.

Lãng phí năng lượng trong sản xuất sử dụng kém hiệu quả và công nghệ lạc hậu đã trở thành một vấn đề nan giải. Một khảo sát gần đây tại hai trung tâm công nghiệp lớn của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy đều đó.

Ở Hà Nội khảo sát trên 5 nhóm ngành trọng điểm tiêu thụ năng lượng trọng điểm của thành phố là vật liệu xây dựng; cơ khí, sản xuất thiết bị; dệt may, da giày; hóa chất; chế biến thực phẩm, đồ uống và thuốc lá cho thấy, dây chuyền công nghệ phần lớn lạc hậu và không đồng bộ, không được tự động hóa nên mức tiêu hao nhiên liệu khá lớn.

Tại TP Hồ Chí Minh, khảo sát sơ bộ cho thấy, chỉ có 1% công nghệ sản xuất của các DN ở địa phương này đạt trình độ hiện đại, 51% công nghệ đạt trung bình khá và 48% là lạc hậu.

Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5- 1,7 lần. Tỉ lệ giữa tăng trưởng nhu cầu năng lượng so với tăng trưởng GDP của nước ta đến gần 2 lần, trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ này là dưới 1.

Một vế khác của bài toán năng lượng là sử dụng tiết kiệm lại chưa hiệu quả vì khu vực công nghiệp là nơi tiêu tốn nhiều năng lượng nhất lại đang khá lãng phí vì công nghệ kém hiệu quả.

Số liệu từ Bộ Công thương khẳng định, rất nhiều ngành hiện nay lãng phí và khả năng tiết kiệm rất cao như sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh... của nước ta có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể lên tới trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ. Một ví dụ được dẫn chứng cho thấy, để sản xuất 1m3 bia, các nhà máy của Việt Nam phải tốn từ 10-20m3 nước, 200-285 kWh điện, trong khi công nghệ tốt nhất được sử dụng tại một số nước Đông Nam Á hiện thời là 4-6m3 nước và 120 kWh điện.

Vì thế, tiết kiệm phải song hành và thậm chí phải coi trọng hơn cả cung cấp nguồn điện vì chi phí bỏ ra để tiết kiệm 1 kWh điện năng ít hơn nhiều so với chi phí đầu tư để sản xuất ra 1 kWh trong các nhà máy điện.

Sức ép đổi mới công nghệ

Khi nói về tác động của giá điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính: giá điện, xăng tăng đương nhiên sẽ tác động đến giá thành sản phẩm và giảm lợi ích nhuận DN. Nhưng để tồn tại, DN buộc phải đổi mới công nghệ, sắp xếp sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Trong lộ trình phát triển của mình, Việt Nam đang dẫn vượt qua giai đoạn cạnh tranh bằng lợi thế giá rẻ bước sang giai đoạn cạnh tranh chất lượng và hiệu quả. Do đó, đổi mới công nghệ là tất yếu để tăng cường năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng... cạnh tranh tốt hơn. Đi kèm theo đó, đổi mới công nghệ sẽ mang lại lợi ích về tiết kiệm chi phí.

Đối phó với tăng giá điện, bên cạnh việc thu hẹp sản xuất, tăng cường khai thác nhân công, tiết kiệm tiền lương hay những biện pháp ngắn hạn khác thì nhiều DN đã chọn cách đột phá là đổi mới công nghệ để giải quyết việc trước mắt cắt giảm chi phí điện và lâu dài là nâng cao năng lực cạnh trạnh.

Tuy nhiên, những năm qua, tốc độ đổi mới công nghệ Việt Nam còn thấp, vào khoảng 10% - 11%. Số liệu điều tra do Bộ kế hoạch Đầu tư và Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) tiến hành gần đây cho thấy, mức đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ chiếm 0,2% - 0,3% doanh thu hàng năm trong khi con số này ở Ấn Độ 5%, Hàn Quốc 10%.

Áp dụng giá điện theo cơ chế thị trường, bên cạnh những ảnh hưởng khiến DN khó khăn nhưng sẽ là một sức ép để DN biết tiết kiệm và đổi mới sản xuất để tiết kiệm.