Theo icon.evn.com.vn - 19/04/2011
Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm: Còn nhiều băn khoăn

Ngày chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm (1/7/2011) đang tới gần, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công Thương trước ngày 30/6/2011 phải hoàn thành hệ thống văn bản quy định cần thiết cho vận hành thị trường phát điện cạnh tranh nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch, phù hợp. EVN và các đơn vị tham gia thị trường điện khẩn trương đầu tư công nghệ thông tin, thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn vận hành thị trường điện trên cơ sở đề cao tính ổn định, an toàn. Mọi công việc đang được tiến hành hết sức khẩn trương. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều băn khoăn về vấn đề này.

Tích cực chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm

Theo đề án vận hành thị trường điện cạnh tranh do Bộ Công Thương xây dựng, khi vận hành theo thị trường phát điện cạnh tranh, cơ chế giá điện có thể tách thành 4 khâu: Giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành – quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Hiện Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực (ERAV) xây dựng giá điện, thực hiện điều tiết và giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh, điều chỉnh kịp thời các cơ chế để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch và công bằng. Hàng năm, giá bán điện bình quân được xây dựng trên cơ sở đảm bảo thu hồi chi phí cho sản xuất, kinh doanh điện tương ứng với 4 khâu trên. Đồng thời, sẽ có các quy định, quy trình vận hành chi tiết, chỉ đạo các đơn vị tham gia thị trường (nhà máy điện, đơn vị mua buôn duy nhất, đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị cung cấp dịch vụ…) triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu tham gia thị trường, đào tạo nhân lực vận hành thị trường… Hiện nay, EVN đang được giao nhiệm vụ rà soát thực hiện từng hạng mục, đặc biệt là việc triển khai hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện, bao gồm 15 hệ thống công nghệ thông tin thành phần theo thiết kế tổng thể. Đồng thời, xây dựng và công bố cho các đơn vị thực hiện tiêu chuẩn kỹ thuật, chuẩn giao diện và giao thức kết nối với mạng thông tin nội bộ thị trường, hệ thống đo đếm và hệ thống quản lý lệnh điều độ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý để EVN được sử dụng một số cơ chế đặc biệt trong việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện, sử dụng tư vấn nước ngoài thẩm định đề án cơ sở hạ tầng, lắp đặt thiết bị đo đếm... Các đơn vị liên quan đang tích cực đầu tư nâng cấp các phần mềm tính toán hiện có để đáp ứng các điều kiện tối thiểu cho vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm. Các công ty phát điện cũng từng bước tái cơ cấu tổ chức bộ máy, sắp xếp lại mô hình quản lý theo hướng tăng năng suất lao động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, máy móc, đặc biệt là hệ thống thiết bị điều khiển, đo lường, giám sát, chuẩn bị đầy đủ nhân lực và thiết bị để tham gia chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh. Nhiều công ty đã tổ chức 1 bộ phận chuyên theo dõi và thu thập thông tin thị trường để khi tham gia chào giá đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, EVN đang tích cực hoàn thiện hệ thống mạng đường truyền kết nối tới các nhà máy điện tham gia thị trường phục vụ cho các yêu cầu tối thiểu để vận hành thí điểm thị trường điện, đặc biệt là công tác chào giá trên thị trường. Chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thành tách giá hợp đồng mua điện hiện tại của các nhà máy nhiệt điện có giá một thành phần thành giá hai thành phần, cố định và biến đổi để có thể sử dụng các thành phần giá điện tạm thời này phục vụ cho việc tính toán vận hành thị trường điện. Đầu tư trang bị cho hệ thống quản lý phụ tải theo phạm vi trách nhiệm và chức năng đảm bảo khai thác sử dụng tài sản hiện có một cách hiệu quả, đáp ứng tốt công tác quản lý và dự báo phụ tải

Còn nhiều băn khoăn

Theo các chuyên gia, việc phát triển thị trường điện cạnh tranh sẽ đảm ba bên cùng có lợi: Nhà nước giảm gánh nặng đầu tư; các doanh nghiệp điện lực sẽ tăng tính tự chủ; khách hàng được hưởng lợi từ cơ chế cạnh tranh. Thực tế, từ năm 2005, EVN đã triển khai thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh nội bộ với sự tham gia của 8 nhà máy phát điện thuộc EVN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì đây chỉ là bước tập dượt để các đơn vị làm quen chứ chưa phải là thị trường phát điện cạnh tranh bởi vì trên thực tế, do nguồn cung luôn thấp hơn cầu nên A0 gần như không có quyền lựa chọn mà luôn phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả nguồn điện giá cao từ chạy dầu DO, FO. Hơn nữa, các nhà máy chào giá nhưng không được thanh toán theo thị trường mà vẫn thanh toán theo giá đặt ra hàng năm của A0.

Về thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm sắp tới, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi và tính minh bạch của thị trường này. Bởi lẽ, hiện tại, các doanh nghiệp truyền tải - phân phối kinh doanh điện đều do EVN quản lý. Còn khâu phát điện thì mặc dù rất tích cực thực hiện cổ phần hoá và kêu gọi các lĩnh vực đầu tư khác nhưng dự báo từ nay đến năm 2015, sản lượng điện phát từ các nhà máy của EVN vẫn chiếm trên 60%. Tuy không còn độc quyền ở khâu phát điện, song EVN vẫn chiếm phần chi phối về nguồn, đồng thời nắm giữ toàn bộ các khâu còn lại như truyền tải, phân phối điện. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ rất khó tạo cơ chế điều tiết rõ ràng, minh bạch trong sản xuất kinh doanh nhằm chống độc quyền. Bên cạnh đó, hiện chỉ các nhà phát điện phải cạnh tranh, còn các công ty truyền tải và công ty phân phối điện chưa có ràng buộc nào. Lại chỉ có 1 công ty mua bán điện duy nhất thuộc EVN nên người dân chưa được quyền lựa chọn sẽ mua điện của ai. Vì vây, yếu tố cạnh tranh coi như chưa có. Mặt khác, theo các chuyên gia, điều kiện quan trọng nhất để hình thành thị trường phát điện cạnh tranh là phải có công suất dự phòng từ 25 - 30%, tiếp đó là có cơ chế vận hành, kế hoạch thực hiện và cơ chế giá điện theo thị trường. Trong khi hiện nay, chúng ta chưa đủ điện dùng, nói gì đến điện dự phòng, các khâu truyền tải và phân phối điện, công ty mua bán điện và A0 vẫn thuộc quản lý của EVN. Đó là chưa kể, công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện chạy khí phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp khí. Nếu việc cung cấp khí không đảm bảo thì các nhà máy này sẽ không thể tham gia thị trường cạnh tranh

Tái cơ cấu ngành điện để xây dựng thị trường điện cạnh tranh lành mạnh

Rõ ràng, muốn có một thị trường phát điện cạnh tranh hoạt động thực sự minh bạch, điều quan trọng là phải có môi trường quản lý điều tiết ổn định, cơ sở hạ tầng truyền tải hoàn thiện, có cơ quan điều tiết độc lập và phi lợi nhuận để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng điện. Trong khi hiện nay, cơ cấu ngành điện đang được tổ chức theo mô hình tích hợp dọc, gồm cả phát điện, truyền tải điện, phân phối, mua bán điện và điều hành hệ thống. Ðiều này không tạo ra môi trường minh bạch cho việc thu hút đầu tư vào nguồn điện mới. Nhằm thiết kế một sân chơi hợp lý để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong ngành điện, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương hoàn chỉnh Đề án tái cơ cấu ngành điện, xây dựng Đề án thành lập Hội đồng điều tiết điện lực quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong quý IV/2011. Với mục tiêu xóa bỏ những bất cập, rào cản của mô hình hiện tại, xây dựng một thị trường điện cạnh tranh để có thể thu hút đầu tư vào các công trình nguồn và lưới, việc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành điện chính là những giải pháp căn cơ, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ra Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg cho phép, từ ngày 1/6/2011, việc điều chỉnh giá bán điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường. Hy vọng đây sẽ là cơ sở tạo sự cạnh tranh lành mạnh, buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Theo kế hoạch, sau thời gian thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm hoạt động, Bộ Công Thương sẽ căn cứ vào kết quả và các điều kiện thực tế để quyết định thời điểm vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh. Nếu mọi việc suôn sẻ thì năm 2014 sẽ hoàn thành thị trường phát điện cạnh tranh. Giai đoạn 2015 - 2022 sẽ thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Sau năm 2022 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.