Trích từ Báo Công Thương - 17/03/2011
Giảm tổn thất điện năng: Nhiệm vụ cấp bách

Theo số liệu từ EVN, tính chung cả năm 2010, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn ngành điện ước đạt 10,25% (tăng 0,25% so với chỉ tiêu do Bộ Công Thương phê duyệt). Mặc dù giai đoạn từ năm 2004 – 2008, EVN đã khá thành công trong giảm tổn thất điện năng với mức trung bình trên 0,6%/năm, giảm từ 12,23% xuống còn trên 9% vào năm 2009 nhưng đến năm 2010, mức tổn thất lại tăng lên đến 10,48%. Đây không chỉ là vấn đề “vỡ kế hoạch” của EVN mà còn là một tổn thất lớn cho nền kinh tế.

CôngThương - Giảm tổn thất là nhiệm vụ cấp bách

Nguyên nhân của việc thất thoát điện năng có nhiều lý do: Lưới điện quốc gia đang quá tải nghiêm trọng nhưng vẫn phải vận hành theo phương thức cưỡng bức; nhiều công trình xây dựng đường dây và trạm biến áp bị chậm tiến độ, các công trình nguồn vận hành không ổn định khiến đường dây 500kV Bắc – Nam luôn phải truyền tải tối đa công suất và sản lượng đã làm tăng tổn thất trên lưới 500 kV.

Ở nhiều nơi, lưới điện trung áp đã cũ nát, nhiều máy biến áp, đường dây có tổn thất cao, tiết diện nhỏ nhưng vẫn phải vận hành. Đặc biệt, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với hạ tầng cũ nát nhưng thiếu vốn để cải tạo lưới và thiếu công tơ điện để thay thế. (Năm 2009, tỷ lệ tổn thất chung trên toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận là 25,17% tương đương 539 triệu kWh).

Tình trạng quá tải có khả năng tăng nặng thêm trong năm 2011 cùng với sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Theo các chuyên gia, để đảm bảo điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay, đặc biệt trong 6 tháng mùa khô, nếu làm tốt công tác giảm tổn thất điện năng có thể bù đắp một phần đáng kể vào lượng điện thiếu hụt hàng năm, nhất là giảm tổn thất điện năng trong lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận.

Hiện nay, EVN đang chỉ đạo các Công ty Điện lực thực hiện nhanh các dự án đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn mới tiếp nhận, thay thế hệ thống công tơ đo đếm điện năng, phấn đấu để hạ tỷ lệ tổn thất chung trên lưới điện nông thôn khu vực tiếp nhận xuống còn 15% cuối năm 2010.

Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Điện là phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2011 (bao gồm cả tiếp nhận bán điện đến hộ dân) xuống dưới 10,25%.

Nhằm hạn chế tổn thất, các đơn vị vận hành lưới điện đã thực hiện các giải pháp giảm tổn thất điện năng phù hợp với từng khu vực trên cơ sở kết hợp giữa các biện pháp quản lý với các biện pháp kỹ thuật và các biện pháp kinh doanh.

NPT đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp quản lý kỹ thuật nhằm chống sự cố, nhất là sau các hiện tượng thiên tai bất thường đối với các đường dây 500 kV và 220 kV để có kế hoạch sửa chữa, ngăn ngừa nguy cơ sự cố. Tăng cường phối hợp trong công tác vận hành, hạn chế dòng ngắn mạch trên lưới. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý kỹ thuật, đề xuất các giải pháp vận hành thiết bị bảo đảm an toàn, đúng thông số kỹ thuật, vận hành hợp lý các giàn tụ bù, các nhà hợp bộ. Tiếp tục theo dõi các chế độ vận hành các MBA đầy tải hoặc có hàm lượng khí cháy cao để có kế hoạch xử lý.

Các tổng công ty điện lực cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, cân pha, duy trì bán kính cấp điện hợp lý, vận hành kinh tế các trạm biến áp phân phối. Thay TI các khách hàng chuyên dùng sử dụng công suất non tải. Tăng cường kiểm tra phát hiện tiếp xúc kém và rò điện, kiểm tra tình trạng niêm phong hệ thống đo đếm để xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường, chống tổn thất thương mại. Kiểm tra toàn bộ hệ thống các công tơ đầu nguồn, thay thế các đo đếm không phù hợp.

Nhằm hạn chế tình trạng phóng điện trên đường dây, các đơn vị tăng cường kiểm tra hành lang lưới tuyến, làm vệ sinh công nghiệp trên các thiết bị, lau sứ ở các đường dây trung thế. Phân bố lại bán kính cấp điện, san tải giữa các TBA phân phối trong khu vực. Luân chuyển máy biến áp cho phù hợp với công suất phụ tải, cân pha TBA.

Lắp bù công suất phản kháng. Cải tạo tối thiểu lưới điện ở các xã mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Các công ty điện lực còn phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền vận động khách hàng tiết giảm tối đa công suất sử dụng điện trong các giờ cao điểm, đặc biệt là giờ cao điểm tối từ 17h00’ đến 20h00’ hàng ngày. Tăng cường kiểm tra giám sát tình trạng sử dụng điện của khách hàng, nhất là công suất sử dụng điện giờ cao điểm tối của các khách hàng lớn.

Nhiều đơn vị còn thành lập Ban chống tổn thất, thực hiện khoán quản đến từng công nhân vận hành, lấy chỉ tiêu tổn thất để bình xét lương hàng tháng. Công tác quản lý hệ thống đo đếm cũng được thực hiện với việc thường xuyên kiểm tra công tơ các trạm biến áp bán tổng theo dõi sản lượng bất thường để kịp thời xử lý. Kiểm tra hệ thống các công tơ đầu nguồn các đường dây trung thế, công tơ tổng TBA công cộng. Có chế độ kiểm tra riêng đối với khu vực lưới điện có tổn thất cao để giảm phần tổn thất do trộm cắp điện gây ra. Duy trì chế độ kiểm tra tình trạng niêm phong, chì boóc, chì hòm công tơ để xử lý kịp thời những hiện tượng bất thường.

Khó khăn vì thiếu vốn

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề vốn đầu tư cho việc nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện. Năm 2011, chỉ tính riêng các công trình cần khởi công và hoàn thành chưa thu xếp được vốn của NPT đã là 45 công trình với tổng giá trị 899 tỷ đồng. Khả năng trong năm 2011 NPT chỉ có thể đạt được tỷ lệ tự đầu tư dưới 7% và vẫn không đủ điều kiện vay vốn cho đầu tư. Lượng vốn cần cho đầu tư lưới điện nông thôn cũng rất thiếu.

Ông Nguyễn Phúc Vinh, Tổng giám đốc EVN NPC cho biết, thời gian tới, riêng Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã cần tới 20.000 tỷ đồng chỉ để cải tạo tối thiểu lưới điện nông thôn nhưng chưa biết huy động vốn bằng cách nào. Đây cũng là tình trạng chung của tất cả các đơn vị điện lực. Riêng NPT thiếu 1.036 tỷ đồng vốn đầu tư, vì vậy, khả năng đáp ứng về truyền tải điện của lưới điện truyền tải còn thấp, công tác vận hành, sửa chữa lớn tiếp tục căng thẳng. Tình trạng thiếu vốn đã đưa ngành điện rơi vào thế “lực bất tòng tâm” trong việc giảm tỷ lệ tổn thất điện năng.

Để tháo gỡ khó khăn, ngoài sự nỗ lực của bản thân, EVN cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bố trí đủ nguồn vốn cho tập đoàn vay theo yêu cầu của các dự án điện. NPT cũng mong muốn được vay vượt 85% vốn cho đầu tư các dự án lưới điện và các Ngân hàng được phép cho NPT vay vượt 15% vốn tự có.

Các tỉnh có giải pháp cho vay vốn ưu đãi để cải tạo lưới điện nông thôn. Các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, giáo dục ngăn chặn tình trạng ăn cắp điện, góp phần hỗ trợ EVN làm tốt công tác chống thất thoát điện năng.