Thay thế công tơ điện tử: Không thể phủ nhận tính tất yếu

Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau xung quanh việc thay thế các loại công tơ điện cơ bằng công tơ điện tử, song qua quá trình nghiên cứu, kiểm định và triển khai ứng dụng công tơ điện tử trong hoạt động đo đếm kinh doanh điện năng, các chuyên gia trong lĩnh vực đo lường cũng như chế tạo thiết bị đo đếm điện năng đều không thể phủ nhận những ưu điểm, tính năng nổi trội, tính chuẩn xác và xu thế tất yếu của loại thiết bị hiện đại thế hệ công nghệ thông tin này.

Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy: Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, ngành Điện đang quản lý bán điện trực tiếp đến hơn 9,8 triệu khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc với tổng số trên 10 triệu công tơ. Trong đó, số lượng công tơ cơ đã hết hạn sử dụng và phải thay thế bằng công tơ điện tử theo chủ trương chiếm đa số. Song, con số thực tế mới chỉ khoảng 72.000 khách hàng thuộc đối tượng áp dụng 3 giá đã được lắp đặt công tơ điện tử. Một số ít các hộ khách hàng gia đình tiêu thụ điện 1 pha cũng đã được lắp đặt thí điểm, nhưng do các khách hàng đã quen với tốc độ “rùa” của các công tơ cơ già cỗi, có cấp chính xác 2 (tức là nếu tải tiêu thụ 100 kWh, trên thực tế công tơ chỉ có khả năng đo từ 98 đến 102 kWh), nên khi thay bằng công tơ điện tử hiện đại với cấp chính xác 1 (có khả năng đạt cấp 0,5, thậm chí cao hơn), thì khách hàng lại không đồng tình và cho rằng công tơ điện tử chạy với tốc độ “phi mã”…

Theo Phó trưởng Ban Khoa học Công nghệ EVN Nguyễn Quang Việt thì: Công tơ điện tử có độ nhạy tốt hơn nên đo đếm đầy đủ, chính xác điện năng sử dụng, kể cả trong trường hợp công suất sử dụng rất thấp. Vì thế khi thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử, người dân sẽ phải trả tiền đúng với lượng công suất sử dụng. Kỹ sư Lưu Văn Ảnh – TGĐ Tổng Công ty kỹ thuật điện (VEC) cũng khẳng định: Bên cạnh những ưu điểm lớn của công tơ điện cơ là độ bền, giá rẻ và dễ lắp đặt, sử dụng, cũng tồn tại những nhược điểm rất khó khắc phục là sai số và độ chính xác thấp, chỉ có 1 biểu giá. Trong khi công tơ điện tử là một sản phẩm đo điện bằng các vi mạch điện tử rất phức tạp, đòi hỏi phải có độ chính xác rất cao và độ ổn định tốt theo thời gian. Xét về mặt ứng dụng, công tơ điện tử không chỉ khắc phục được nhược điểm của công tơ cơ khí về cấp chính xác, mà công tơ điện tử còn có khả năng hỗ trợ các tính năng giúp cho người quản lý bán điện quản lý tốt hơn, tránh thất thoát, lãng phí…

Cần bước đi mạnh dạn

Hiện tại ngành Điện Việt Nam đang có nhiều chuyển biến hết sức căn bản: Luật Điện lực đã được áp dụng sâu rộng trong sản xuất và sinh hoạt; Tập đoàn Điện lực Việt Nam ra đời; liên kết điện qua biên giới; hình thành thị trường điện cạnh tranh… Tất cả những việc đó để làm tốt đều có một nhu cầu về sự tin cậy, tính chính xác, công bằng và phù hợp của các công cụ đo đếm điện năng. Công tơ điện cơ hiện không thoả mãn nhu cầu đó. Phân tích của các chuyên gia đã khẳng định nhận định trên là chính xác. Bởi thực tế, các công ty điện lực hiện vẫn đang phải sử dụng nhiều lao động để ghi số liệu công tơ. Việc này không chỉ tốn kém về chi phí mà còn có thể bị sai sót do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh đó, việc áp dụng bán điện nhiều giá đã thành luật, trong khi công tơ điện cơ chỉ có thể ghi được 1 biểu giá và hầu như không có tính năng cảnh báo sự can thiệp từ bên ngoài vào công tơ. Đồng thời, công tơ điện cơ cũng không đáp ứng được yêu cầu đo được nhiều thông số theo thời gian thực để đảm bảo nhu cầu đánh giá chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của từng bộ phận hay toàn bộ hệ thống. Như vậy, cùng với sự phát triển chung, việc áp dụng công tơ kỹ thuật số sẽ cải thiện mối quan hệ giữa khách hàng và nhà cung ứng, đảm bảo sự công bằng trong mua bán, đồng thời giúp các đơn vị sản xuất, truyền tải, nhất là phân phối điện có cơ sở đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình.

Theo Luật Điện lực, công tơ do nhà cung ứng điện cung cấp và quản lý. Các đơn vị điện lực có trách nhiệm lắp đặt, thay thế, kiểm định và quản lý các công tơ của khách hàng. Do vậy, việc thay thế công tơ điện cơ bằng công tơ kỹ thuật số cũng gặp không ít vướng mắc. Ông Hoàng Hữu Thận – Trung tâm Tư vấn và Phát triển điện phân tích: Về tâm lý khách hàng, do không kiểm soát được công tơ, luôn nghi ngờ tính chân thực và sự cần thiết của việc thay thế, nên sau khi thay, nếu mức thanh toán vẫn giữ như cũ hoặc giảm thì khách hàng sẽ thông suốt. Ngược lại, nếu mức thanh toán tăng lên hơi bất thường, khách hàng sẽ không thông và gây ra thắc mắc, khiếu nại.

Còn về mặt kinh tế, trong lúc ngành Điện đang thiếu vốn, thiếu cả nhân viên kỹ thuật, trang thiết bị hiệu chỉnh – kiểm định… thì khối lượng và kinh phí không nhỏ của việc thay thế công tơ cơ cũ bằng công tơ điện tử sẽ là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, nếu triển khai tốt và đồng bộ thì hiệu quả mang lại cũng lại to lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra. Chẳng hạn, có thể giảm hàng trăm lao động ở đội ngũ ghi chữ của mỗi công ty điện lực; giảm tổn thất khoảng 3 – 4%, đây là con số điện năng rất lớn so với chi phí thực hiện; có đủ cơ sở tin cậy để đánh giá, phân tích chỉ tiêu tài chính chính xác, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời tính chính xác trong đo đếm điện năng cũng là cơ sở nâng cao niềm tin cậy của khách hàng – một đòi hỏi rất lớn của hội nhập trong tổ chức WTO. Để đạt được hiệu quả như đã phân tích ở trên thì vấn đề cơ bản là phải có một bước đi mạnh dạn trong việc thay thế dần công tơ điện cơ bằng công tơ kỹ thuật số trên toàn hệ thống điện.

Những năm gần đây, một số đơn vị thuộc EVN như Công ty Điện lực 1, Công ty Điện lực 3, Trường Đại học Điện lực… cũng đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo và triển khai ứng dụng công tơ điện tử 1 pha và 3 pha bán cho khách hàng. Tuy nhiên, để triển khai đồng loạt việc thay thế công tơ điện tử, EVN cũng sẽ phải đầu tư chi phí ban đầu cao hơn nhiều so với công tơ cơ khí, đào tạo lại lực lượng quản lý vận hành để đáp ứng yêu cầu. Trước mắt, với xu thế tất yếu và để đáp ứng yêu cầu trong cơ chế thị trường, EVN cần nghiên cứu triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ mới trong khâu đọc chỉ số công tơ, nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao độ chính xác, giảm thiểu tiêu cực trong công tác ghi chỉ số và cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng.

Theo: icon.com.vn