Chương III. ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

Mục 1. TỔ CHỨC ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

>Điều 15. Tổ chức đơn vị công tác

Một đơn vị công tác phải có tối thiểu hai người, trong đó phải có một người chỉ huy trực tiếp chịu trách nhiệm chung.

Điều 16. Cử người chỉ huy trực tiếp và nhân viên đơn vị công tác

Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm cử người chỉ huy trực tiếp và nhân viên đơn vị công tác phù hợp với công việc, có trình độ và khả năng thực hiện công việc an toàn.

Điều 17. Cử người giám sát an toàn điện

1. Người sử dụng lao động hoặc đơn vị quản lý vận hành chịu trách nhiệm cử người giám sát an toàn điện khi đơn vị công tác không chuyên ngành về điện hoặc không đủ trình độ về an toàn điện làm việc gần vật mang điện.

2. Đơn vị quản lý vận hành chịu trách nhiệm cử người giám sát an toàn điện khi đơn vị công tác làm việc tại nơi đặc biệt nguy hiểm về điện.

Điều 18. Công việc gồm nhiều đơn vị công tác

Trường hợp công việc do nhiều đơn vị công tác của cùng một tổ chức hoạt động điện lực thực hiện, người sử dụng lao động phải cử người lãnh đạo công việc.

Điều 19. Cho phép thực hiện nhiệm vụ một mình

Những người được giao nhiệm vụ đi kiểm tra đường dây, thiết bị bằng mắt thì được phép thực hiện nhiệm vụ một mình. Trong khi kiểm tra phải luôn coi đường dây và thiết bị đang có điện.

Điều 20. Trách nhiệm của người lãnh đạo công việc

Người lãnh đạo công việc chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các đơn vị công tác trong quá trình thực hiện công việc.

Điều 21. Trách nhiệm của người cho phép

1. Người cho phép chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật an toàn điện thuộc trách nhiệm của mình để chuẩn bị chỗ làm việc cho đơn vị công tác.

2. Chỉ dẫn cho đơn vị công tác các thiết bị đã được cắt điện, những phần thiết bị còn điện và các biện pháp đặc biệt chú ý.

3. Ký lệnh cho phép vào làm việc và bàn giao nơi làm việc cho đơn vị công tác.

Điều 22. Trách nhiệm của người giám sát an toàn điện

1. Cùng người chỉ huy trực tiếp tiếp nhận nơi làm việc.

2. Phải luôn có mặt tại nơi làm việc để giám sát an toàn về điện cho nhân viên đơn vị công tác và không được làm thêm nhiệm vụ khác.

Mục 2. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CHỈ HUY TRỰC TIẾP

Điều 23. Trách nhiệm phối hợp

Người chỉ huy trực tiếp phải hợp tác chặt chẽ với các tổ chức liên quan và chỉ huy, kiểm tra đơn vị công tác để đảm bảo công tác an toàn và gìn giữ an toàn cho cộng đồng.

Điều 24. Trách nhiệm kiểm tra

1. Người chỉ huy trực tiếp phải hiểu rõ nội dung công việc được giao, các biện pháp an toàn phù hợp với công việc.

2. Người chỉ huy trực tiếp chịu trách nhiệm

a) Kiểm tra lại và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn cần thiết;

b) Việc chấp hành các quy định về an toàn của nhân viên đơn vị công tác;

c) Chất lượng của các dụng cụ, trang bị an toàn sử dụng trong khi làm việc;

d) Đặt, di chuyển, tháo dỡ các biển báo an toàn điện, rào chắn, nối đất di động trong khi làm việc và phổ biến cho tất cả nhân viên đơn vị công tác biết.

Điều 25. Kiểm tra sơ bộ sức khoẻ công nhân

Trước khi bắt đầu công việc, người chỉ huy trực tiếp phải kiểm tra sơ bộ tình hình sức khỏe, thể trạng của nhân viên đơn vị công tác. Khi xét thấy sẽ có khó khăn cho nhân viên đơn vị công tác thực hiện công việc một cách bình thường thì không được để nhân viên đơn vị công tác đó tham gia vào công việc.

Điều 26. Trách nhiệm giải thích

Trước khi cho đơn vị công tác vào làm việc người chỉ huy trực tiếp phải giải thích cho nhân viên đơn vị công tác về nội dung, trình tự để thực hiện công việc và các biện pháp an toàn.

Điều 27. Trách nhiệm giám sát

Người chỉ huy trực tiếp phải có mặt liên tục tại nơi làm việc, giám sát và có biện pháp để nhân viên đơn vị công tác không thực hiện những hành vi có thể gây tai nạn trong quá trình làm việc.

Mục 3. TRÁCH NHIỆM CỦA NHÂN VIÊN ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

Điều 28. Nghĩa vụ của nhân viên đơn vị công tác

1. Phải nắm vững và thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn liên quan đến công việc, phải nhận biết được các yếu tố nguy hiểm và phải thành thạo phương pháp sơ cứu người bị tai nạn do điện.

2. Phải tuân thủ hướng dẫn của nguời chỉ huy trực tiếp và không làm những việc mà người chỉ huy không giao. Nếu không thể thực hiện được công việc theo lệnh của người chỉ huy, hoặc nhận thấy nguy hiểm nếu thực hiện công việc đó theo lệnh, nhân viên đơn vị công tác phải ngừng ngay công việc, báo cáo và chờ lệnh của người chỉ huy trực tiếp.

3. Khi không thể tuân thủ lệnh của người chỉ huy trực tiếp, các quy định về an toàn hoặc nhận thấy có khả năng và dấu hiệu thiếu an toàn ở thiết bị, ở dụng cụ an toàn hoặc điều kiện làm việc, được quyền từ chối thực hiện lệnh của người chỉ huy trực tiếp, khi đó phải báo cáo với người có trách nhiệm thích hợp.

Điều 29. Ngăn cấm vào vùng nguy hiểm

Nhân viên đơn vị công tác không được vào các vùng:

1. Người chỉ huy trực tiếp cấm vào.

2. Có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Điều 30. Sơ cứu người bị tai nạn

1. Mỗi đơn vị công tác phải có các dụng cụ sơ cứu người bị tai nạn.

2. Khi xảy ra tai nạn, mọi nhân viên đơn vị công tác phải tìm cách sơ cấp cứu người bị nạn và báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

Chương IV.TRANG THIẾT BỊ AN TOÀN VÀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Điều 31. Yêu cầu về sử dụng

1. Tất cả các nhân viên của đơn vị công tác phải sử dụng đúng và đầy đủ các trang bị an toàn và bảo hộ lao động phù hợp với công việc được giao. Người chỉ huy trực tiếp có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng các trang bị an toàn và bảo hộ lao động của nhân viên đơn vị công tác.

2. Khi công việc được thực hiện ở gần đường dây có điện áp từ 220kV trở lên, có khả năng bị điện giật do cảm ứng tĩnh điện thì nhân viên đơn vị công tác phải được trang bị bảo hộ chuyên dụng.

Điều 32. Kiểm tra trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động

1. Các dụng cụ và trang thiết bị an toàn điện phải đạt được các tiêu chuẩn thử nghiệm và sử dụng.

2. Các trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động phải được kiểm tra, bảo quản theo quy định của nhà sản xuất và quy định pháp luật hiện hành. Cấm sử dụng các trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động khi chưa được thử nghiệm, đã quá hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường.

Điều 33. Kiểm tra hàng ngày

1. Trước khi sử dụng trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động, người sử dụng phải kiểm tra và chỉ được sử dụng khi biết chắc chắn các trang thiết bị này đạt yêu cầu.

2. Sau khi sử dụng, các trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động phải được vệ sinh sạch sẽ làm khô và bảo quản theo quy định. Nếu phát hiện trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động có dấu hiệu không bình thường phải báo cáo với người quản lý.

Điều 34. Sử dụng dụng cụ và thiết bị khi làm việc có điện

Người chỉ huy trực tiếp phải yêu cầu nhân viên đơn vị công tác sử dụng dụng cụ và thiết bị cho sửa chữa có điện theo nội dung của công việc. Nghiêm cấm tiến hành các công việc sửa chữa có điện khi không có các dụng cụ, thiết bị bảo đảm an toàn.

Điều 35. Kiểm tra định kỳ và bảo dưỡng đối với dụng cụ và thiết bị cho công việc sửa chữa có điện

1. Dụng cụ và thiết bị cho công việc sửa chữa có điện phải được kiểm tra định kỳ theo tiêu chuẩn và bảo dưỡng, bảo quản theo quy định.

2. Cấm sử dụng dụng cụ, thiết bị an toàn và bảo hộ lao động cho công việc sửa chữa có điện quá thời hạn kiểm tra, đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường.

Điều 36. Vận chuyển các dụng cụ, thiết bị an toàn và bảo hộ lao động

Các dụng cụ, thiết bị an toàn và bảo hộ lao động phải được cất vào bao gói chuyên dụng để tránh làm hỏng, biến dạng, dính dầu, bụi bẩn, ẩm .v.v... trong quá trình vận chuyển.

Chương V.CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN CHUNG

Mục 1. KẾ HOẠCH

Điều 37. Lập kế hoạch

Kế hoạch công tác phải được người sử dụng lao động lập phù hợp với nội dung và trình tự công việc, có sự phối hợp của các bộ phận liên quan (giữa đơn vị quản lý thiết bị, đơn vị vận hành, đơn vị sửa chữa, các đơn vị liên quan khác…)

Điều 38. Đăng ký công tác

Trường hợp làm việc có liên quan với thiết bị có điện mà phải thực hiện các biện pháp an toàn điện thì đơn vị công tác phải đăng ký trước với đơn vị quản lý vận hành theo quy định.

Điều 39. Hủy bỏ hoặc lùi công việc do thời tiết xấu

1. Trường hợp mưa to, gió mạnh, sấm chớp, sét hoặc sương mù dày đặc, các công việc tiến hành với các thiết bị ngoài trời có thể hủy bỏ hoặc lùi lại tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể.

2. Trường hợp trời mưa hoặc sương mù nước chảy thành dòng, cấm thực hiện công việc ngoài trời có sử dụng trang bị cách điện.

Mục 2. LỆNH CÔNG TÁC, PHIẾU CÔNG TÁC

Điều 40. Phiếu công tác

1. Là giấy cho phép làm việc với thiết bị điện.

2. Khi làm việc theo Phiếu công tác, mỗi đơn vị công tác phải được cấp một Phiếu công tác cho một công việc.

3. Người chỉ huy trực tiếp chỉ được phân công nhân viên vào làm việc sau khi đã nhận được sự cho phép của người cho phép và đã kiểm tra, thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.

Điều 41. Lệnh công tác

Lệnh công tác là lệnh miệng hoặc viết ra giấy, được truyền đạt trực tiếp hoặc qua điện thoại. Người nhận lệnh phải ghi vào sổ nhật ký. Trong sổ nhật ký phải ghi rõ: Người ra lệnh, nơi làm việc, thời gian bắt đầu, họ tên của người chỉ huy trực tiếp công việc và các nhân viên của đơn vị công tác. Trong sổ cũng dành một mục để ghi việc kết thúc công việc.

Điều 42. Công việc thực hiện theo Lệnh công tác, Phiếu Công tác

Các công việc khi tiến hành trên thiết bị và vật liệu điện, ở gần hoặc liên quan đến thiết bị và vật liệu đang mang điện được thực hiện theo các quy định sau đây:

1. Theo Lệnh công tác khi công việc không cần phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuẩn bị chỗ làm việc, làm việc ở xa nơi có điện, hoặc xử lý sự cố thiết bị do nhân viên vận hành thực hiện trong ca trực hoặc những người sửa chữa dưới sự giám sát của nhân viên trực vận hành (không cần thực hiện thủ tục cho phép vào làm việc).

2. Theo Phiếu công tác khi:

a) Làm việc không có điện;

b) Làm việc có điện;

c) Làm việc ở gần phần có điện.

Điều 43. Nội dung của Phiếu công tác

Phiếu công tác phải có đầy đủ các thông tin cơ bản sau đây:

1. Họ và tên của người cấp Phiếu công tác.

2. Họ và tên người lãnh đạo công việc (nếu có).

3. Họ và tên người giám sát an toàn điện (nếu có).

4. Họ và tên người cho phép.

5. Họ và tên người chỉ huy trực tiếp.

6. Danh sách nhân viên đơn vị công tác.

7. Nội dung công việc.

8. Địa điểm làm việc.

9. Thời gian làm việc (giờ, ngày, tháng và năm).

10. Điều kiện tiến hành công việc (cắt điện hay không, làm việc ở gần nơi có điện).

11. Phạm vi làm việc.

12. Biện pháp an toàn được thực hiện tại nơi làm việc.

13. Chỉ dẫn hoặc cảnh báo của người cho phép đối với đơn vị công tác.

14. Các hạng mục cần thiết khác (nếu có).

15. Kết thúc công tác.

Mẫu Phiếu công tác tại Phụ lục.

Mục 3. KHẲNG ĐỊNH AN TOÀN

Điều 44. Khẳng định các biện pháp an toàn trước khi tiến hành công việc

Trước khi bắt đầu công việc, người chỉ huy trực tiếp phải khẳng định các biện pháp kỹ thuật an toàn ở nơi làm việc đã được chuẩn bị đúng và đầy đủ.

Điều 45. Kiểm tra dụng cụ

Trước khi làm việc, nhân viên đơn vị công tác phải kiểm tra các trang thiết bị an toàn, bảo hộ lao động và các dụng cụ, máy móc như bút thử điện .v.v...

Mục 4. NGUYÊN TẮC AN TOÀN TRONG CÔNG VIỆC

Điều 46. Làm việc với tải trọng

Khi nâng hoặc hạ một tải trọng, phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Nhân viên đơn vị công tác không được đứng và làm bất cứ công việc gì trong vùng nguy hiểm của thiết bị nâng.

2. Dây cáp treo tải trọng phải có độ bền phù hợp với tải trọng.

3. Móc treo, ròng rọc treo cáp với tải trọng phải được khoá để tránh rơi.

Điều 47. Vận chuyển vật nặng

Khi vận chuyển vật nặng, phải sử dụng các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn.

Điều 48. Ngăn ngừa mất khả năng làm việc do công cụ gây rung

Công cụ khi làm việc gây rung, như cưa xích, đầm… phải áp dụng các biện pháp an toàn phù hợp.

Điều 49. Kiểm tra trước khi trèo lên giá đỡ

1. Trước khi trèo lên giá đỡ, cột, nhân viên đơn vị công tác phải kiểm tra sơ bộ:

a) Tình trạng của bệ đỡ, giá đỡ, cột;

b) Ví trí của giá đỡ và đường trèo lên an toàn, kết cấu hoặc dây dẫn trên cột;

c) Xác định các trang thiết bị an toàn, bảo hộ lao động cần thiết.

2. Trường hợp cần trèo lên cột có độ vững không đủ, phải có biện pháp thích hợp để cột không bị đổ và gây tai nạn.

3. Người chỉ huy trực tiếp phải ra lệnh dừng công việc nếu phát hiện thấy có dấu hiệu đe doạ đến an toàn đối với người và thiết bị.

Điều 50. Kiểm tra cắt điện và rò điện

Khi trèo lên cột điện, nhân viên đơn vị công tác phải kiểm tra việc không còn điện và rò điện bằng bút thử điện.

Điều 51. Sử dụng các thiết bị leo trèo

Khi làm việc ở vị trí có độ cao hoặc độ sâu trên 1,5m so với mặt đất, nhân viên đơn vị công tác phải dùng các phương tiện lên xuống phù hợp.

Điều 52. Ngăn ngừa bị ngã

Khi làm việc trên cao, nhân viên đơn vị công tác phải sử dụng dây đeo an toàn. Dây đeo an toàn phải neo vào vị trí cố định, chắc chắn.

Điều 53. Ngăn ngừa vật liệu, dụng cụ rơi từ trên cao

Khi sử dụng vật liệu, dụng cụ ở trên cao và khi đưa vật liệu dụng cụ lên hoặc xuống, người thực hiện phải có biện pháp thích hợp để không làm rơi vật liệu, dụng cụ đó.

Điều 54. Làm việc tại cột

1. Khi dựng, hạ cột phải áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm tránh làm nghiêng hoặc đổ cột.

2. Khi dựng, hạ cột gần với đường dây dẫn điện, phải áp dụng các biện pháp phù hợp để không xảy ra tai nạn do vi phạm khoảng cách an toàn theo cấp điện áp của đường dây.

Điều 55. Làm việc với dây dẫn

Khi thực hiện việc kéo cáp hoặc dỡ cáp điện, phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Kiểm tra tình trạng của cơ cấu hỗ trợ và cáp dẫn bảo đảm hoạt động bình thường, các biện pháp ngăn ngừa đổ sập phải được áp dụng với cáp dẫn tạm .v.v…

2. Áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng như đặt các tín hiệu cảnh báo nguy hiểm, căng dây hoặc hàng rào giới hạn khu vực nguy hiểm .v.v... và bố trí người cảnh giới khi thấy cần thiết.

Điều 56. Làm việc với thiết bị điện

Khi nâng, hạ hoặc tháo dỡ thiết bị điện (như máy biến áp, thiết bị đóng ngắt, sứ cách điện .v.v...) phải áp dụng các biện pháp thích hợp để tránh rơi, va chạm hoặc xẩy ra tai nạn do vi phạm khoảng cách an toàn giữa thiết bị với dây dẫn điện hoặc thiết bị điện khác.

Điều 57. Công việc đào móng cột và hào cáp

1. Khi đào móng cột, hào cáp đơn vị công tác phải áp dụng biện pháp phù hợp để tránh lở đất.

2. Đơn vị công tác phải thực hiện các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa người rơi xuống hố như đặt rào chắn, đèn báo và bố trí người cảnh giới khi cần thiết.

3. Trước khi đào hố đơn vị công tác phải xác định các công trình ngầm ở dưới hoặc gần nơi đào và có biện pháp phù hợp để không xảy ra tai nạn hoặc hư hỏng các công trình này. Nếu phát hiện công trình ngầm ngoài dự kiến hoặc công trình ngầm bị hư hỏng, đơn vị công tác phải dừng công việc và báo cáo với người có trách nhiệm. Trường hợp các công trình ngầm bị hư hỏng gây tai nạn thì đơn vị công tác phải áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa tai nạn tiếp diễn và báo ngay cho các tổ chức liên quan.

Mục 5. TẠM DỪNG CÔNG VIỆC

Điều 58. Yêu cầu khi tạm dừng công việc

Khi tạm dừng công việc, các biện pháp an toàn đã được áp dụng như nối đất di động, rào chắn, tín hiệu cảnh báo phải giữ nguyên trong thời gian công việc bị gián đoạn. Nếu không có người nào ở lại tại vị trí công việc vào ban đêm, đơn vị công tác phải có các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa khả năng gây tai nạn. Khi bắt đầu lại công việc phải kiểm tra lại toàn bộ các biện pháp an toàn bảo đảm đúng và đủ trước khi làm việc.

Điều 59. Xử lý khi phát hiện các bất thường của thiết bị

1. Khi phát hiện thấy hư hỏng ở thiết bị có khả năng gây nguy hiểm cho người, nhân viên đơn vị công tác phải báo cáo ngay cho người có trách nhiệm sau khi đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp để không gây nguy hiểm cho người.

2. Khi nhận được báo cáo về hư hỏng ở thiết bị có khả năng gây nguy hiểm cho người, người sử dụng lao động phải áp dụng ngay các biện pháp thích hợp.

3. Nếu có nguy cơ xảy ra chập điện hay điện giật như trong trường hợp chạm phải dây có điện, thì cắt điện ngay. Trong trường hợp không thể cắt điện, phải áp dụng các biện pháp thích hợp như bố trí người gác để không xảy ra tai nạn cho người.

Điều 60. Khi tai nạn đã xảy ra

Nếu xảy ra tai nạn hoặc sự cố, người chỉ huy trực tiếp và nhân viên đơn vị công tác phải ngừng ngay công việc và tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

1. Phải áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa các tai hoạ khác và không được đến gần với thiết bị hư hỏng nếu thấy có nguy hiểm.

2. Phải sơ cấp cứu người bị nạn và liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất.

3. Phải thông báo ngay cho các tổ chức có liên quan về trường hợp tai nạn.

Điều 61. Sơ cấp cứu

Nhân viên đơn vị công tác phải áp dụng các biện pháp sơ cứu sau cho nạn nhân:

1. Hô hấp nhân tạo, cầm máu .v.v...

2. Gọi cấp cứu (gọi bác sỹ, gọi xe cấp cứu .v.v...)

Điều 62. Dừng và tạm dừng công việc do thời tiết

Người chỉ huy trực tiếp phải ra lệnh cho nhân viên đơn vị công tác dừng hoặc tạm dừng công việc nếu thấy cần thiết khi điều kiện thời tiết trở nên xấu.

Mục 6. KẾT THÚC CÔNG VIỆC

Điều 63. Trước khi bàn giao

Người chỉ huy trực tiếp phải thực hiện theo trình tự:

1. Trực tiếp kiểm tra lại các công việc đã hoàn thành, việc thu dọn dụng cụ, vệ sinh chỗ làm việc.

2. Ra lệnh cho nhân viên đơn vị công tác rút khỏi vị trí công tác, trừ người thực hiện việc dỡ bỏ các biện pháp an toàn.

3. Ra lệnh tháo dỡ các biện pháp an toàn do đơn vị công tác đã thực hiện trước khi làm việc.

4. Kiểm tra số lượng người, dụng cụ, vật liệu, trang thiết bị an toàn bảo đảm đã đầy đủ.

5. Cấm nhân viên đơn vị công tác quay lại vị trí làm việc.

Điều 64. Bàn giao nơi làm việc

Sau khi đã thực hiện các bước tại Điều 63, người chỉ huy trực tiếp ghi và ký vào mục kết thúc công việc của Phiếu công tác và bàn giao nơi làm việc cho người cho phép.



LOẠT BÀI QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN ĐIỆN

  1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện - Chương 1,2
  2. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện - Chương 3,4,5
  3. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện - Chương 6,7,8
  4. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện - Chương 9,10,11
  5. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện - Chương 12,13