Theo icon.evn.com.vn - 25/07/2011

Trong thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã có 2.068 điểm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Đây là con số đáng lo ngại và Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI ) vẫn đang hết sức cố gắng để hạn chế các vụ việc xảy ra, qua đó nâng cao hiệu quả vận hành của lưới điện và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Biết hay cố tình không biết

Sự nguy hiểm của những đường dây cao áp hẳn ai cũng biết, tuy nhiên biết nhưng người dân vẫn vi phạm an toàn hành lang lưới điện. Một số trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) gây ra sự cố nghiêm trọng trong thời gian gần đây, mà điển hình là sự cố đường dây 172E1.3 Mai Động đi E1.18 Bờ Hồ xảy ra vào ngày 10/5/2011 gây mất điện trên diện rộng tại nhiều quận nội thành của Thủ đô. Nguyên nhân là do công trình xây dựng nhà ở của bà Lê Thị Duyên – chủ hộ nhà 91 (trong ngõ) Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ lưới điện (khoảng cột 20-21) tuyến đường dây cao áp110 kV. Sự cố đã gây hậu quả là: Làm phóng điện cháy phần lợp mái nhựa tầng 3, tuy không có thiệt hại về người, nhưng làm mất điện tại 2 máy biến áp 110 kV thuộc trạm 110 kV Bờ Hồ và trạm 110 kV Trần Hưng Đạo; đồng thời làm gián đoạn việc cung cấp điện cho khoảng 210 trạm biến áp phân phối thuộc khu vực các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Ngay sau khi sự cố xảy ra, EVN HANOI đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân phường Bạch Đằng tiến hành phá dỡ công trình vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện cao áp trên và lập biên bản chủ hộ vi phạm.

Sự việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm hành lang lưới điện, làm gián đoạn việc cung ứng điện an toàn liên tục và ảnh hưởng không nhỏ đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn Thành phố những ngày nắng nóng này.

Khó khăn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng

EVN HANOI và các công ty điện lực các quận, huyện của thành phố Hà Nội hết sức ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm ủng hộ của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương trong việc thực hiện ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm HLAT LĐCA. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do tốc độ đô thị hoá nhanh, một số công trình xây dựng không có giấy phép dẫn đến vi phạm HLAT LĐCA. Mặt khác, nhiều chủ công trình chưa thiện chí phối hợp với ngành Điện, có trường hợp còn xâm phạm vào lưới điện như đào vào cáp ngầm xây dựng vi phạm khoảng cách trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp..., gây sự cố lưới điện.

Việc xử phạt đối với hành vi, vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác bồi thường thiệt hại cho ngành Điện. Mặt khác, người dân còn thiếu hiểu biết hay biết về sự nguy hiểm của những đường dây cao áp nhưng vẫn cố tình vi phạm. Khi ngành Điện đi tuyên truyền về ATHLLĐ người dân còn bất hợp tác, hay chỉ hành động đối phó với ngành Điện và chính quyền địa phương. Ngoài ra, các cấp chính quyền cũng chưa có những phương án cụ thể phối hợp với ngành Điện nhằm giảm thiểu vi phạm ANTHLLĐ. Việc sử lí vi phạm còn lỏng lẻo, chưa cương quyết dẫn đến người dân còn tái vi phạm.

Những giải pháp được đưa ra

Mục tiêu của ngành Điện trong thời gian tới là ngăn chặn và giảm thiểu vi phạm ATHLLĐCA, phấn đấu giảm các vụ vi phạm xuống từ 18 đến 20% hàng năm, cung cấp điện ổn định, an toàn và liên tục trên địa bàn Thành phố. Theo ông Nguyễn Đăng Thiện, Phó ban An toàn - Bảo hộ lao động EVN HANOI cho biết: Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, EVN HANOI đã chỉ đạo các đơn vị tích cực kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn ngừa hành vi vi phạm HLATLĐCA. Cụ thể là phải giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm, gây ự cố lưới điện (yêu cầu chủ công trình phá dỡ hoặc đền bù kinh phí để cải tạo lưới điện…). EVN Hà Nội phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền trong dân về an toàn sử dụng điện trong mùa mưa bão, tuyên truyền không chỉ bằng các hình thức như in các tờ rơi phát tới các gia đình gần khu có lưới điện cao áp đi qua, mà còn ký hợp đồng phát thanh trên loa đài của phường, xã nhiều lần trong ngày và liên tục trong tuần, trong tháng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài... về các nội dung sử dụng điện an toàn điện; cách phòng tránh tai nạn điện trong mùa mưa bão và các quy trình, quy phạm về hành lang an toàn lưới điện cao áp…

Để góp phần thực hiện các giải pháp trên, ngành Điện khuyến cáo người dân lưu ý 9 điểm sau đây:

1. Không xây nhà cửa và các công trình khác trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.
2. Không sử dụng các thiết bị, dụng cụ, phương tiện ( xe xúc gầu, xe cầu, xe đổ ben) làm việc trong hành lang lưới điện.
3. Không trộm cắp, ném bắn, gây hư hỏng các bộ phận của công trình điện.
4. Không thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp hoặc bất kì vật gì có khả năng hư hại đến công trình lưới điện cao áp.
5. Không lắp đặt ăng ten, dây phơi, giàn giáo, biển hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại vị trí mà bị đổ rơi, có thể va quyệt vào công trình lưới điện cao áp.
6. Không trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện.
7. Không bắn pháo, dây tráng kim lên đường dây điện.
8. Không tháo gỡ dây neo, dây tiếp địa và các phụ kiện khác ở cột đện.
9. Không sử dụng cột điện làm nhà, lều, quán hoặc các mục đích khác.

Tình trạng vi phạm HLATLĐCA đe dọa nghiêm trọng đến an toàn cho vận hành lưới điện cao áp, đe dọa đến tính mạng người dân. Hậu quả là khôn lường khi sự cố lưới điện làm mất điện cấp cho khách hàng trong đó không loại trừ các khu vực quan trọng, đặc biệt là đối với lưới điện 110 KV phạm vi mất điện rất lớn làm ảnh hưỏng đến đời sống xã hội sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Hãy nhớ khuyến cáo 9 không của ngành điện để bảo vệ chính bản thân mình cũng như bảo đảm tài sản của nhà nước nhằm cung cấp điện an toàn liên tục.