Theo icon.evn.com.vn - 20/07/2011

Là đơn vị trực tiếp khai thác tiềm năng thủy điện to lớn trên dòng sông Sê San, Công ty CP Thủy điện Sê San 4A đang chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết, sẵn sàng tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh cùng với nhiều đơn vị trên cả nước. Ông Nguyễn Sinh - Tổng giám đốc công ty đã dành cho phóng viên chúng tôi một cuộc trao đổi ngắn.

Xin ông cho biết tiến độ hoàn thành dự án Thủy điện Sê San 4A?

Nhà máy thủy điện Sê San 4A có 3 tổ máy, công suất lắp máy mỗi tổ 21 MW. Dự án này có đặc thù là cột nước thấp, xây dựng tua bin thuộc loại cấp (sun). Đây cũng là loại cấp sun đầu tiên lắp đặt tại Việt Nam. Công ty đã tiến hành khảo sát tình hình giá cả và lựa chọn những nhà thầu Trung Quốc cung cấp, lắp đặt thiết bị, liên kết hợp tác với nhiều nhà thầu xây dựng lớn của Việt Nam để tiến hành thi công. Cho đến nay, việc đầu tư, xây dựng dự án cũng đã đi vào giai đoạn cuối và dự kiến tổ máy số 1 sẽ hòa vào lưới điện quốc gia khoảng cuối tháng 6, tổ máy số 2 là đầu tháng 8, hoàn thành toàn bộ nhà máy vào tháng 10/2011.

Thưa ông, với việc thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh từ tháng 7/2011 này, Sê San 4A có những chuẩn bị gì về nhân lực để vận hành hoạt động cũng như tham gia vào thị trường này?

Từ nay đến thời điểm 1/7/2011, công việc kết nối hệ thống để tham gia thị trường do Nhà nước đầu tư, còn Công ty Sê San 4A chỉ chuẩn bị nguồn nhân lực để tham gia thị trường khi thị trường đi vào vận hành chính thức. Mọi hệ thống kết nối với thị trường điện chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Về tài chính thì công ty chúng tôi đã huy động sẵn để giải ngân cho nhà thầu, mục tiêu là đẩy nhanh tốc độ phát điện của nhà máy để có doanh thu cao trong năm nay. Hiện công ty đang tập trung công tác giải ngân, làm các thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư để chuyển sang giai đoạn kinh doanh.

Nhiều người cho rằng giá điện hiện tại chưa khuyến khích được việc đầu tư các dự án thủy điện, ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Theo tôi, Chính phủ cũng có hướng để làm sao cho các nhà máy thủy điện có thể thu hồi vốn nhanh và có lợi nhuận cao. Thực tế hiện nay, chi phí đầu tư một nhà máy thủy điện ít nhất phải trên 30 tỷ đồng/MW trở lên, gấp đôi so với cách đây 5-7 năm (14-15 tỷ đồng/MW). Tuy nhiên, nếu tính theo giá bán điện hiện nay thì DN bị thua lỗ. Do đó, muốn khuyến khích đầu tư thì theo tôi có 2 vấn đề: Thứ nhất là giá bán điện tăng như thế nào cho phù hợp; thứ hai là làm sao cho các dự án thủy điện được vay thêm nguồn vốn ưu đãi.

Mục tiêu phát triển giai đoạn 2011-2015 của Công ty CP Thủy điện Sê San 4A, thưa ông?

Mục tiêu của công ty trong giai đoạn 2011-2015, thứ nhất là quyết toán vốn đầu tư xây dựng chuyển sang kinh doanh; thứ hai làm sao cho có hiệu quả, lợi nhuận để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông có vốn đầu tư; thứ ba là tham gia vào thị trường chứng khoán để huy động vốn và tìm các dự án mới tái đầu tư. Trong quy mô quản lý doanh nghiệp thì hiện nay điều chúng tôi quan tâm nhất là sử dụng và quản lý nhân lực. Muốn nguồn nhân lực tốt gắn bó lâu dài để đảm bảo quy trình vận hành, quản lý của nhà máy, công ty phải thực hiện chính sách đãi ngộ, quan tâm cải thiện đời sống công nhân viên.