Công tơ điện tử 1 pha và 3 pha hiệu SmartRF – Cơ hội chiếm lĩnh thị trường nội địa Trường Đại học Điện lực là một trường mới được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Điện lực. Mặc dù vậy công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong những năm qua đã đạt được những thành tích nổi bật. Một trong những kết quả đó là việc chế tạo thành công sản phẩm Công tơ điện tử 1 pha và 3 pha hiệu SmartRF có mức giá thấp hơn khoảng 30% so với các sản phẩm tương tự do nước ngoài sản xuất, lại được thiết kế phù hợp đảm bảo khả năng đo đếm, vẽ biểu đồ phụ tải từ xa trên cơ sở sử dụng đường truyền CDMA tần số 450Hz của Công ty viễn thông Điện lực (EVN Telecom). Bằng những nỗ lực không ngừng trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, Đại học Điện lực đã tạo dựng nên các phòng, nhóm nghiên cứu, làm việc hiệu quả. Ở đó tập hợp được chất xám, năng lực của các thành viên để triển khai dự án thành công. Trao đổi về kết quả của quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm Công tơ điện tử 1 pha và 3 pha hiệu SmartRF, ông Lê Văn Luân phụ trách Trung tâm Nghiên cứu phát triển và ứng dụng KHCN của nhà trường cho biết: Nhu cầu sử dụng các sản phẩm, công cụ điện tử ngày càng cao. Công tơ điện tử hiệu SmartRF đã góp phần thúc đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý khách hàng, phát hành hoá đơn cũng như tự động hoá khâu ghi chỉ số công tơ trong ngành điện. Đồng thời tính chỉ số sử dụng điện theo nhiều mức giá, việc mua bán điện không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà đã có sự liên kết giữa các quốc gia, đòi hỏi nhu cầu đo đếm và quản lý chất lượng điện với độ chính xác, tin cậy và hiệu quả cao. Thực tế đòi hỏi phải sự dụng các thiết bị đo đếm điện tử thay thế cho thiết bị cơ thông thường. Công tơ điện tử cho phép cơ quan quản lý có thể đánh giá đúng mức tổn thất, chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, đem lại nhiều ưu điểm và lợi ích khác như: tổn hao điện năng thấp; độ chính xác cao; chi phí bảo dưỡng thiết bị thấp; giảm thiểu chi phí nhân công do khả năng tự động hoá trong khâu đọc chỉ số; hạn chế các tiêu cực, nhầm lẫn và ăn cắp điện. Xác định rõ lợi ích, tính năng nổi bật và giá trị của công tơ điện tử, song việc triển khai và đưa vào ứng dụng rộng rãi còn tương đối hạn chế. Lý do, là hầu hết các công tơ điện tử sử dụng trên lưới điện của Việt Nam hiện nay là công tơ nhập ngoại, giá thành rất cao, kinh phí để thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử khá lớn. Hàng năm EVN và các đơn vị thành viên đã phải bỏ ra hàng chục triệu USD để nhập khẩu công tơ điện tử. Việc thiếu một đội ngũ nhân viên kỹ thuật, trang thiết bị kiểm định hiệu chỉnh và làm chủ công nghệ trong quá trình đo đếm cũng là yếu tố tác động đến việc triển khai lắp đặt công tơ điện tử. Ngược lại việc chi phí để đào tạo, vận hành, hiệu chỉnh, bảo dưỡng, công tơ điện tử rẻ hơn nhiều so với công tơ cơ. Do hiệu chỉnh và kiểm định được thực hiện hoàn toàn bằng phần mềm, thời gian thực hiện rất nhanh và đảm bảo độ chính xác. Đào tạo, nghiên cứu, và cung cấp sản phẩm của mình theo nhu cầu của xã hội là định hướng cơ bản trong quá trình phát triển của Đại học Điện lực. Để phát triển sản phẩm Công tơ điện tử, sau gần 3 năm tập trung nghiên cứu, từ một đề tài cấp cơ sở, rồi đến đề tài cấp Bộ, được sự hỗ rợ từ phía Bộ Công nghiệp, EVN cùng nhiều đơn vị điện lực trong ngành; sự miệt mài nghiên cứu, triển khai thử nghiệm từ khâu thiết kết bản vẽ, gia công đến sáng tạo kiểu dáng… sản phẩm công tơ điện tử 1 pha và 3 pha hiệu SmartRF đã hoàn thành với nhiều tính năng ưu việc, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng cũng như tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Sau hàng năm thử nghiệm tại hiện trường, trong phòng thí nghiệm, vượt qua các đợt đánh giá khắt khe của các cơ quan giám định, sản phẩm công tơ điện tử 1 pha và 3 pha hiệu SmartRF đã được Tộng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam cấp giấy chứng nhận phê duyệt mẫu. Ngay sau đó, nhà trường đã triển khai các công đoạn cho việc liên kết với các đối tác sản xuất đồng loạt. Dự kiến cuối năm 2007 đầu 2008 nhà trường sẽ đầu tư một dây chuyền sản xuất. Khó khăn là làm sao kêu gọi được các nguồn vốn để quá trình sản xuất đạt hiệu quả cao do thói quen tâm lý sử dụng công tơ cơ vẫn thường trực trong ý thức người tiêu dùng. Thành công của sản phẩm cho thấy thực tế nhu cầu sử dụng Công tơ điện tử là rất lớn. Đặc biệt với các sản phẩm công tơ điện tử hiệu SmartRF do nhà trường nghiên cứu chế tạo có thể dễ dàng tích hợp các tính năng ưu việt để trở thành những công cụ thông minh phục vụ đắc lực nhu cầu cuộc sống hiện đại. Cụ thể như tính năng tự động nhắn tin đến số điện thoại của khách hàng để thông báo chỉ số tiêu thụ điện, cảnh báo với cơ quan quản lý điện và khách hàng về tình trạng công suất. Vinh dự đến với nhà trường là Đại học Điện lực lần đầu tiên góp mặt tại Chợ Công nghệ và thiết bị Thủ đô (Techmart Hà Nội 2007). Tại hội chợ lần này đã thu hút sự tham gia của 215 công ty với 277 gian hàng giới thiệu, chào bán sản phẩm công nghệ thuộc 4 lĩnh vực: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Điện tử-Viễn thông và Tự động hoá. Các sản phẩm của Trường tham gia chính là những sản phẩm công nghệ tiêu biểu, phản ánh một cách rõ nét thành quả nghiên cứu khoa học của CBCNV Đại học Điện lực. Đó là những sản phẩm công tơ điện tử 1 pha và 3 pha cùng với hệ thống đo đếm điện năng từ xa của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng KHCN, là các loại máy điện thoại cố định không dây, các loại môdem ADSL, thiết bị cảnh báo và điều khiển điều hoà, tủ điện ATS, bộ thí nghiệm dạy học, là sản phẩm bóng đèn Compact tiết kiệm điện năng mà trường hợp tác cùng Công ty CP thiết bị điện - điện tử Việt Nhật sản xuất, là thiết bị Rơle kỹ thuật số hoà đồng bộ, thiết bị tự động điều chỉnh hệ số công suất, là phần mềm thi trắc nghiệm trực tuyến. Bước đi có tính đột phá của trường Đại học Điện lực cho thấy thành công của việc gắn đào tạo lý thuyết với nghiên cứu khoa học và thực tế ứng dụng. Nếu tự bằng lòng với những gì đạt được thì sản phẩm hiện tại sẽ không thế đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong tương lai. Vì vậy phương châm của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và ứng ứng dụng KHCN, Trường Đại học Điện lực là không ngừng cập nhật thông tin, công nghệ mới nhất và liên tục cải tiến.