Theo icon.evn.com.vn - 09/05/2011
Tháng 5, hoàn thiện cơ chế cho điện gió

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Bộ Công thương hoàn thiện, trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại VN trong tháng 5 tới, nhằm tạo điều kiện, khuyến khích các dự án đầu tư điện gió tại VN.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, VN có một thuận lợi cơ bản để phát triển năng lượng gió. Tổng tiềm năng điện gió của VN ước đạt 513.360 MW, tức bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020.

Bộ Công Thương cho biết, hiện cả nước có 21 dự án điện gió quy mô nối lưới phổ biến, công suất 30 MW đang được nghiên cứu triển khai tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định và Lâm Đồng với công suất thiết kế khoảng trên 2.000 MW. Theo các chuyên gia, đầu tư điện gió ở VN hiện nay còn chưa phát triển, có nhiều khó khăn từ điều kiện tự nhiên, thời tiết, công nghệ và đặc biệt là suất đầu tư cao dẫn tới giá thành, giá bán điện cao. Ngoài ra, việc cấp phép, triển khai các nhà máy điện gió nhìn chung vẫn tự phát, thiếu quy hoạch cụ thể, chưa bổ sung quy hoạch điện lực chung của địa phương và khu vực. Theo ông Trần Văn Nhựt - Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, giá mua điện gió là một trong những cái khó nhất hiện nay của các nhà đầu tư. Ở một số nước phát triển mạnh điện gió, nhà nước trợ giá và có thể mua điện từ các nguồn năng lượng sạch đến 12 cent/kWh nhưng người tiêu dùng chỉ phải trả tiền 6 cent. Chính sách về giá điện gió hiện nay của chúng ta chưa rõ ràng khiến các nhà đầu tư chậm triển khai dự án của mình. Do vậy, Chính phủ cần sớm có chủ trương về giá mua điện gió để phát huy nguồn năng lượng này. Một khó khăn khác đối với nhà đầu tư điện gió, đó là quy hoạch. Cho đến nay, cả nước chưa có một quy hoạch cụ thể cho nguồn năng lượng này. Các tỉnh có tiềm năng thì đang tìm nguồn vốn tài trợ và đơn vị tư vấn thực hiện cho tỉnh mình nên rất khó khi triển khai các thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư. Rào cản lớn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư, khai thác nguồn năng lượng gió đó là suất đầu tư rất cao, đẩy giá thành sản xuất điện gió cao hơn so với thủy điện và nhiệt điện. Theo tính toán của các chuyên gia, tùy vào công nghệ và địa hình thi công, suất đầu tư cao nhất là 2,77 triệu USD/MW, thấp nhất là 1,77 triệu USD/MW và trung bình là 2,2 triệu USD/MW. Do vậy, nếu không có chính sách về giá mua điện thì khó có hiệu quả đầu tư.

Theo Bộ Công thương, dự thảo cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại VN đã làm rõ hơn những cơ chế ưu đãi tạo điều kiện cho nhà đầu tư để triển khai các dự án điện gió tại VN, như quy định về trách nhiệm mua điện đối với các dự án điện gió, ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, ưu đãi về hạ tầng đất đai, hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió. Ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ EVN cho rằng, việc ban hành chính sách sớm sẽ góp phần giải quyết một phần tình trạng thiếu điện hiện nay. Hơn nữa việc thu hút nguồn vốn đầu tư cũng khá thuận lợi, vì qua làm việc với các đối tác, ngân hàng đều quan tâm và ưu tiên việc hỗ trợ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.