Đọc bài báo "Dùng 400kWh, người dân phải trả thêm 52.000 đồng" ngày 26/02/2011 - PHẠM HUYỀN - vef.vn. Mình thấy số liệu mà báo này đưa hình như là không được chính xác. Tự thấy việc so sánh giá điện sinh hoạt năm 2011 so với năm 2010 cũng cần thiết. Mình lập ra 1 bảng tính tiền điện sinh hoạt đối với hộ sử dụng đúng 400kWh. Chúng ta củng tham khảo các số liệu này trước khi nhận được hóa đơn tiền điện chính thức nhé.


Bài trích nguyên văn - bỏ 1 cái hình

(VEF.VN) - Đối với các hàng hoá thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, xăng dầu..., tác động tăng giá dây chuyền từ việc tăng giá điện là không đáng kể, Bộ Công thương khẳng định.

Tại cuộc họp báo công bố chính thức việc điều chỉnh giá điện năm 2011 chiều 26/2, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, các mức tác động của việc tăng giá điện tới đời sống, sinh hoạt không phải là lớn.

Số liệu dẫn ra "đo được" từ tác động tăng giá điện đều khá thấp. Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Chánh văn phòng Bộ Công Thương cho hay, theo tính toán của Bộ về tác động với nhóm điện sinh hoạt, các hộ gia đình tiêu thụ 100kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 32.000 đồng, tiêu thụ 200kWh/tháng, số tiền điện tăng thêm là 39.000 đồng, sử dụng trên 300kWh/tháng, chi phí trả tiền điện đội lên là 45.000 đồng.

Với các hộ tiêu dùng tới 400kWh/tháng, tiền điện phải trả chỉ tăng thêm là 52.000 đồng. Trong đó, 90% số hộ gia đình cả nước là dùng điện 300kWh/tháng đổ lại. Số hộ dùng nhiều điện, tới 400kWh trở lên/tháng chỉ chiếm 2%.

Đồng thời, đối với các hàng hoá thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu v.v..., Bộ Công Thương khẳng định, thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ nên tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do tăng giá điện là không đáng kể.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là giá điện nhà trọ hiện nay vẫn quá cao. Sau khi có thông tin giá điện tăng 15,28%, có nhiều khu nhà trọ tại Hà Nội, nhất là các khu chung cư mini cho thuê, giá điện đã tăng lên từ 3000- 4000 đồng/kWh. Trong khi đó, Chính phủ đã có cơ chế áp dụng giá điện bậc thang cho nhóm này.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực bày tỏ, đây là trách nhiệm của các Sở Công Thương, song rất khó bảo vệ lợi ích cho người thuê trọ để được mua giá điện thấp.

"Năm 2010, chúng tôi cũng đã có các biện pháp đi kiểm tra song, kết quả chưa được tốt lắm. Về nguyên tắc, chủ nhà trọ không được phép mua điện rồi kinh doanh, bán lại cho người đi thuê, lấy giá cao. Nhưng chúng ta vướng về mặt pháp lý, người ký hợp đồng mua điện lại là chủ nhà. Còn số người thuê trọ mà ký hợp đồng trực tiếp được với bên bán điện lại rất ít.", ông Thắng cho biết.

Năm 2011, Cục Điều tiết điện lực dự kiến thí điểm sử dụng công tơ điện có thẻ trả trước, tượng tư như thẻ nạp tiền điện thoại di động. Nhưng, ông Thắng cho rằng: "khi cho thuê nhà, nếu không phải thu tiền điện thì chủ nhà có thể sẽ tăng giá thuê nhà lên. Vì thế, người đi thuê nhà sẽ vẫn bị tác động, rất khó khăn."

Giá điện cho người nghèo chỉ còn 400 đồng/kWh

Như đã đưa tin trước về chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo (dùng dưới 50kWh/tháng), bộ Công Thương cho biết, mức hỗ trợ 30.000 đồng/hộ/tháng sẽ do UBND cấp tỉnh thực hiện sau khi tiếp nhận kinh phí hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ.

Nhờ đó, các hộ nghèo chỉ phải trả thêm khoảng 20.000 đồng tức là đã được hỗ trợ giá điện đến 60% tiền điện và giá bán lẻ điện thực tế áp dụng cho các hộ nghèo chỉ còn 400đ/kWh.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, cả nước có hơn 3,2 triệu hộ nghèo. Mỗi năm, mức hỗ trợ vào khoảng 1.120 tỷ đồng. Sau khi cân nhắc ngành điện hãy còn rất khó khăn nên Thủ tướng đã đồng ý cho phép, khoản tiền hỗ trợ giá điện này sẽ bù từ ngân sách Nhà nước, không lấy từ giá bán điện.




Phần lập bảng tính do dien-congnghiep.com thực hiện

Phần tính toán này dùng cho hộ sử dụng đúng 400 kWh. Chúng ta cần lưu ý là hộ sử dụng 400kWh / tháng không thuộc diện nghèo nên không được hưởng mức giá bậc thang 1 nhé.

Số điện

Giá 2010

Giá 2011

TT 2010

TT 2011

01->50

600

1,242

30,000

62,100

51->100

1,004

1,242

50,200

62,100

101->150

1,214

1,317

60,700

65,850

151->200

1,594

1,664

79,700

83,200

201->300

1,722

1,801

172,200

180,100

301->400

1,844

1,925

184,400

192,500

Thành tiền chưa có thuế VAT

577,200

645,850

Thuế VAT 10%

 

57,720

64,585

Tổng số tiền phải trả

 

634,920

710,435


Từ bảng tính trên cho thấy. Nếu sử dụng đúng 400kWh thì chênh lệch tiền điện như sau:
_Chênh lệch tiền điện trước thuế VAT : 645,850 - 577,200 = 68,650VNĐ
_Chênh lệch tiền điện sau thuế VAT : 710,435 - 634,920 = 75,515 VNĐ


Thực tế, tiền điện chênh lệch phải tính sau thuế VAT tức là 75,515VNĐ.

Từ bảng số liệu trên ta cũng tính được chênh lệch tiền điện cho các hộ sử dụng từ 100kWh/tháng đến 400kWh/tháng.
Tuy vậy, cách tính trên là dựa vào các văn bản về giá điện năm 2011 đã được báo chí đưa. Việc tiếp theo là ta chờ thêm khoảng hơn 1 tháng nữa để có hóa đơn tiền điện chi tiết. Đến lúc đó hãy kết luận về kết quả so sánh giá điện năm 2010 và 2011 nhé. Mong rằng số tiền điện chênh lệch sẽ nhỏ hơn các con số tính toán trên đây.